Sau 3 tuần đồng loạt ra quân kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã kịp thời chấn chỉnh và xử lý không ít vi phạm. Nhờ đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm
Từ ngày 15-4 đến hết ngày 6-5, 4 đoàn kiểm tra liên ngành
an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 tại 15 quận, huyện, thị xã; đồng thời, trực tiếp kiểm tra tại 15 cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm,
nhà hàng và
bếp ăn tập thể. Kết quả, có 5 cơ sở đạt tiêu chuẩn, 3 cơ sở vi phạm, 7 cơ sở chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định, với tổng số tiền phạt gần 30 triệu đồng.
Theo chân đoàn Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, bên cạnh những cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định thì vẫn còn tồn tại những nơi chưa đáp ứng các điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra nhà hàng hải sản Chân Mây (khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã phát hiện một số loại gia vị
chế biến món ăn không có tem nhãn. Nhà hàng cũng chưa xuất trình được Giấy
chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của nhà cung cấp hải sản; bản cam kết của nhà cung cấp đồ khô; bản công bố của
đá viên.
Còn tại nhà hàng Bảo Minh (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 cũng phát hiện khu vực bếp của nhà hàng có kiến và ruồi do cửa sổ không có tấm chắn côn trùng. Tương tự, tại thời điểm kiểm tra, kho bảo quản thực phẩm đông lạnh của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Vương (30 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) chưa được vệ sinh thường xuyên, thiếu giá, kệ theo quy định…
Chi cục trưởng
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố đánh giá, trong 3 tuần triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương vẫn gặp phải không ít khó khăn.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, quận Ba Đình đã kiểm tra được hơn 400 cơ sở, trong đó phát hiện 6 cơ sở vi phạm và xử phạt gần 16 triệu đồng. Phó Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở có biến động về loại hình kinh doanh, cơ sở vật chất xuống cấp, thay đổi địa điểm và nhân viên… Ngoài ra, công tác tập huấn, phổ biến kiến thức của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, nên ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở còn hạn chế.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hương, các cơ sở mới hoạt động trở lại sau dịch Covid-19, nên việc cập nhật, đôn đốc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm còn hạn chế…
Kiểm tra nhà hàng Chân Mây (quận Long Biên), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội phát hiện một số loại gia vị không có tem nhãn.
Tiếp tục siết chặt quản lý
Từ thực tế nêu trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, sau khi phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm. Sau khi thẩm định, cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định thì mới được phép cho hoạt động, nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh hơn.
Nhờ chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, quận Long Biên đã có 15 cơ sở được gắn biển cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát. Ngoài ra, 100% trường công lập có
bếp ăn tập thể triển khai thực hiện mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, trên các website của quận và 14 phường, đài
phát thanh các phường và bản tin của các tổ dân phố đã công khai các số điện thoại thường trực để người dân dễ tiếp cận và phản ánh, khi phát hiện các cơ sở nghi ngờ mất an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng và người dân kịp thời phát hiện và chấn chỉnh vi phạm sẽ giúp công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả hơn.
Còn theo ông Đặng Thanh Phong, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được các địa phương tiếp tục siết chặt và tăng cường liên tục, không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, các khâu chế biến có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.