0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quảng cáo thực phẩm chức năng chữa được ung thư là lừa đảo

09/05/2017    4.67/5 trong 6 lượt 
Quảng cáo thực phẩm chức năng chữa được ung thư là lừa đảo
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp đang quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) dưới danh nghĩa hỗ trợ điều trị ung thư để bán giá trên trời.
Mới đây, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo 14 công ty, yêu cầu ngừng đưa ra những quảng cáo về các sản phẩm TPCN, thảo dược… được tiếp thị để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư. Tại Việt Nam, tình trạng vi phạm như trên khá phổ biến.
 
Sai phạm về quảng cáo chiếm 60%
 
Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, trong năm 2016, đã thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý hơn 90 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt trên 5,4 tỷ đồng. Trong đó, hơn 50 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm khoảng 60%) bị xử phạt với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Sai phạm phổ biến nhất trong quảng cáo là thổi phồng công dụng của sản phẩm, quảng cáo TPCN như một loại thần dược có thể chữa khỏi cả bệnh ung thư…
 
Tháng 11-2016, Cục ATTP đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Triệu Sơn với tổng mức tiền phạt 65 triệu đồng, trong đó hành vi vi phạm chính là quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ancan mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung và gây hiểu nhầm loại thực phẩm này có tác dụng như thuốc chữa bệnh ung thư…
 
Trên thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh được việc TPCN có tác dụng điều trị ung thư. Tại cuộc tọa đàm về chính sách quản lý TPCN vừa diễn ra ở Hà Nội cuối tuần qua, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, TPCN có 2 chức năng cơ bản là tăng cường sức khỏe (chống lão hóa, tăng sức đề kháng, sung mãn, làm đẹp) và hỗ trợ điều trị bệnh tật (góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh, làm giảm tác hại của bệnh).
 
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, theo Luật ATTP, TPCN chỉ có 3 tác dụng là tạo cho cơ thể thỏa mãn, tăng đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Như vậy, theo định nghĩa đã được công nhận trong Luật, TPCN không có tác dụng điều trị hay hỗ trợ điều trị.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, một số doanh nghiệp đang lợi dụng nỗi sợ hãi và tuyệt vọng của bệnh nhân ung thư, lợi dụng xu hướng tin rằng các cách điều trị “tự nhiên” sẽ tốt hơn... để quảng cáo TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư và kiếm bộn tiền. Theo TS Nguyễn Huy Quang, hiện nay, một số doanh nghiệp đang quảng cáo thực phẩm chức năng dưới danh nghĩa hỗ trợ điều trị ung thư để bán hàng với giá trên trời, cung cấp thông tin sai lệch, lừa đảo người tiêu dùng. “Chính sự biến tướng đó làm người tiêu dùng cảm thấy TPCN quý và đắt hơn cả thuốc, làm người tiêu dùng “mù” thông tin và hiểu sai về TPCN” – ông Quang nói.
 
Cần quản lý chặt chẽ 
 
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, thị trường TPCN ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn phát triển  mạnh mẽ, số sản phẩm mới xuất hiện tăng nhanh theo từng năm. Nếu năm 2014 chỉ có 1.062 sản phẩm mới đăng ký thì 1 năm sau đã tăng gấp 10 lần và năm 2016 cũng có số lượng đăng ký mới tương tự như 2015. Kéo theo đó là tình trạng sản xuất TPCN giả; sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố; quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa công dụng của sản phẩm… cũng ngày càng phức tạp.
 
Đến nay, đã có Thông tư 43 của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN, nhưng trong đó cũng mới chỉ đề cập đến sản xuất, kinh doanh, công bố sản phẩm, ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng TPCN chứ chưa quy định toàn diện các mặt quản lý đối với TPCN. Do đó, việc siết chặt quản lý mặt hàng này là một đòi hỏi được đặt ra, đặc biệt là cần có quy định cụ thể hơn về quảng cáo và ghi nhãn TPCN.
 
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đang lấy ý kiến rộng rãi vào dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và ghi nhãn TPCN trước khi trình Chính phủ thông qua. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị để có thể sớm áp dụng quy định tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với các cơ sở sản xuất TPCN trong nước, bắt buộc các cơ sở sản xuất phải có nhà máy đạt GMP mới được chứng nhận và công bố sản phẩm TPCN.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, với quy định này, sẽ loại trừ được các cơ sở, doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh TPCN, góp phần làm trong sạch thị trường TPCN trong nước, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.
ANTD.VN