Hiện tại trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được bảo hộ khiến người tiêu dùng khó phân biệt được giữa nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Dưới đây là những điểm giống và khác nhau giữa 2 khái niệm này
Điểm tương đồng giữa nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý
Nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý đều có thể cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hóa
Nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý đều có thể sử dụng bởi cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ.
Các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ có sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý đều phải tuân theo những quy định chung về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo được sản phẩm sản xuất có chất lượng ổn định, giữ được danh tiếng cho nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý.
Đều phải đăng ký xác lập quyền tại có quan nhà nước có thẩm quyền. Các dấu hiệu có thể là từ ngữ hoặc hình ảnh biểu tượng.
Điểm khác nhau giữa nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý
Về định nghĩa:
Nhãn hiệu tập thể: Là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải thành viên của của tổ chức đó (Khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Chỉ dẫn địa lý: Là dấu hiệu chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể (Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Đối tượng:
Nhãn hiệu tập thể có thể sử dụng để gắn lên mọi loại hàng hóa, dịch vụ.
Chỉ dẫn đia lý chỉ được dùng để gắn lên các hàng hóa là đặc sản của một địa phương nhất định.
Thời hạn bảo hộ:
Nhãn hiệu tập thể bảo hộ lần đầu trong vòng 10 năm và có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp mỗi lần 10 năm.
Chỉ dẫn địa lý không xác định thời hạn.
Nguồn gốc sản phẩm:
Đối với các nhãn hiệu tập thể không gắn với địa chỉ nơi sản xuất đặc trưng thì sản phẩm hàng hóa có thể sản xuất ở nhều nơi, nhiều địa phương khác nhau, không bắt buộc chỉ được sản xuất ở một địa phương nhất định.
Còn đối với chỉ dẫn địa lý hàng hóa sản phẩm chỉ được sản xuất tại nơi được đăng ký chỉ dẫn địa lý, tất cả các sản phẩm được sản xuất tại địa phương khác sẽ không được gắn chỉ dẫn địa lý đã đăng ký.
Dấu hiệu phân biệt:
Nhãn hiệu tập thể có thể chứa bất kỳ nội dung nào nêu lên đặc điểm của sản phẩm hàng hóa như tính chất, công dụng, màu sắc, mùi vị,… mà không nhất thiết phải nêu địa chỉ nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa. Chỉ cần nội dung đó có thể phân biệt hàng hóa, dịch vụ do thành viên của tổ chức tập thể sản xuất với hàng hóa, dịch vụ của những chủ thể khác không phải là thành viên của tổ chức.
Còn chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý bắt buộc phải nêu lên xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm, chỉ dẫn về nơi sản xuất.
Chức năng:
Chức năng của nhãn hiệu tập thể dùng để phân biệt sản phẩm do thành viên của tổ chức tập thể sản xuất với sản phẩm của những chủ thể khác không phải là thành viên của tổ chức (nhãn hiệu tập thể có thể chứa bất kỳ dấu hiệu nào được pháp luật cho phép).
Chức năng của chỉ dẫn địa lý giúp người tiêu dùng có thể phân biệt khu vực, xuất sứ của sản phẩm với những nét đặc thù riêng của khu vực đó như thế nào trong quá trình lựa chọn (chỉ dẫn địa lý phải chứa tên của địa danh nơi mà sản phẩm mang chỉ dẫn được sản xuất).