Để các doanh nghiệp Việt Nam khỏi lúng túng trước yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm của thị trường quốc tế, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã xây dựng bộ tiêu chí Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, tạo cơ hội cho họ Việt thực hành và từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 10/5, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng Cao, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức hội thảo “Cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt giai đoạn hội nhập mới và kết nối thị trường” nhằm tập trung thảo luận về các yếu tố giúp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế cho mặt hàng thực phẩm –
nông sản an toàn Việt Nam.
Năm 2017, lần đầu tiên nông sản Việt Nam có giá trị xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD – vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái - đây là những con số mà Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đưa ra đầu hội thảo. Thế nhưng 77% nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc – một thị trường “dễ tính”, trong khi việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Mỹ hay Nhật thì vẫn còn hạn chế bởi không đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng. Một vấn đề khác đặt ra là vì yếu tố tiêu chuẩn chất lượng thấp nên ngay trên thị trường nội địa, niềm tin với nông sản Việt Nam cũng đang ngày càng bị suy giảm. Điều này đã đặt ra yêu cầu về một công cụ quản lý chất lượng – “một tiêu chuẩn để người bán và người mua có thể tin nhau” – thứ trưởng Tạc tổng kết.
Bộ tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa như thế không chỉ giúp khôi phục lòng tin của bên bán và bên mua trên thị trường mà cũng là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp nông sản Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa. Chuyên gia chiến lược và
thương hiệu Trần Anh Tuấn lý giải, những tiêu chuẩn mới thường có hàng rào kỹ thuật ngày càng cao, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Việc buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa mới này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải có kế hoạch mới để đầu tư vào sản xuất,
chế biến sản phẩm, tuy mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng sẽ phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo và đem lại cho nông sản Việt “tấm giấy thông hành và sự tin cậy để đi ra thế giới”. Điều này cũng sẽ giúp tăng sức cạnh trạnh của sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Dựa trên các số liệu điều tra của Nielsen, IPSARD, ông Trần Anh Tuấn gợi ý, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần bắt kịp xu hướng dẫn dắt tiêu dùng hiện nay là thực phẩm an toàn, hữu cơ và có thêm các chức năng như bổ sung sức khỏe, chữa bệnh…
Chuẩn hội nhập - luật chơi mới
Thực tế là dù tiêu chuẩn chất lượng là luật chơi phổ quát trên thế giới nhưng đa số các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam lại ít coi trọng và chưa có nhiều kinh nghiệm thực hành. Hiện tại nông sản, thực phẩm Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất thô hoặc gia công nên không bị “xét giấy” thông hành, điều đó khiến giá trị gia tăng mà cả người nông dân lẫn doanh nghiệp nhận lại rất ít, và chỉ những doanh nghiệp “dám” tự đổi mới để thích nghi với những tiêu chuẩn quốc tế như Hoa Sua Food, Ngoc Lien Food,… mới có thể vươn mình ra quốc tế.
Xuất phát từ thực tế tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam không hòa nhập và còn thấp so với thế giới, cách đây 2 năm, Hội DN HVNCLC đã xây dựng Bộ Tiêu chí Hàng Việt Nam Chất lượng cao để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam “làm quen” với yêu cầu mới của thị trường thế giới. Bộ tiêu chí mới dựa trên sự kế thừa các quy định, thực hành hiện có tại Việt Nam, được diễn giải và đảm bảo giám sát quá trình áp dụng sẽ tuân thủ các quy định về công nhận, chứng nhận quốc tế có liên quan. Bộ Tiêu chí đang đạt được sự thừa nhận của tổ chức tiêu chuẩn quốc tế GMP+ và được đăng ký là thành viên của GLOBALGAP. Các chuyên gia đánh giá, bộ tiêu chí mới sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm được gắn danh hiệu và cũng thúc đẩy các doanh nghiệp tự cải thiện mình và thực hành các tiêu chuẩn quốc tế.
Hội thảo cũng công bố, Ngoc Lien Food vừa được hội đồng xét duyệt “Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” chấm 91,5/100 điểm và trao tăng danh hiệu này. Từ trường hợp của Ngoc Lien Food, chủ tịch Hội đồng xây dựng Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhận xét: “Bộ tiêu chí này ra đời chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được chất lượng cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phầm đối với thế giới”