Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNN) vừa công bố kết quả xếp hạng 63 tỉnh, thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản năm 2017. Theo đó, chỉ có 13 tỉnh, thành phố được xếp vào nhóm địa phương “triển khai tốt”, còn lại 50 tỉnh, thành phố xếp vào nhóm “đạt yêu cầu”, không có địa phương nào nằm trong nhóm triển khai “còn hạn chế”.
Điều đáng suy ngẫm là bên cạnh một số địa phương như Cần Thơ và Hà Tĩnh sau khi bị xếp cuối bảng của nhóm “còn hạn chế” năm 2016, đã tổ chức lại công tác quản lý ATTP, đến nay đã vươn lên tốp 10 địa phương “triển khai tốt”.
Trong khi đó, hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại “thụt lùi”. TP Hồ Chí Minh từ nhóm “triển khai tốt” năm 2016 đã rơi xuống nhóm “đạt yêu cầu” với vị trí thứ 25. Thủ đô Hà Nội “giậm chân tại chỗ” trong nhóm “đạt yêu cầu”, nhưng rớt từ vị trí 14 xuống 19 trên bảng xếp hạng.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN và PTNT), kết quả xếp hạng nêu trên cho thấy một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác bảo đảm ATTP. Nhiều địa phương thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra ATTP, nhưng tỷ lệ xử lý thấp, thể hiện kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành liên quan. Một số địa phương lại chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất như chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN và PTNT cho nên hiệu quả thanh tra không cao. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra về ATTP tại nhiều địa phương thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn trong thực thi nhiệm vụ theo phân công, phân cấp, nhất là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Trong khi đó, cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích, động viên người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng và thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, cũng như phát triển các mô hình chuỗi chất lượng cao, ATTP.
Hiện, cả nước đang trong tháng cao điểm hành động vì ATTP. Cùng với việc tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung thanh tra, kiểm tra tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong thực thi pháp luật về ATTP...
Để cải thiện thứ hạng về chất lượng ATTP, các địa phương không chỉ coi tháng hành động vì ATTP là điểm nhấn, tạo đợt cao điểm trong năm 2018, mà phải xây dựng chiến dịch tuyên truyền bài bản, lâu dài về việc tuân thủ quy định pháp luật về ATTP. Chủ động phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc tập thể và các bệnh do sử dụng sản phẩm không an toàn. Gắn trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành để tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy ý thức, tăng cường trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP