Trước câu hỏi làm cách nào để có đầu ra ổn định cho thị trường
nông sản, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn - NN-PTNT) xung quanh vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, vài năm gần đây, tình trạng nông sản làm ra cần phải “giải cứu” liên tục tái diễn, từ heo, dưa hấu, khoai lang, hành tím đến củ cải, su hào rồi cả những mặt hàng như mía đường, hồ tiêu… và sắp tới, theo dự báo có thể đến lượt các loại cây có múi (cam, bưởi). Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
>> Ông NGUYỄN QUỐC TOẢN: Đúng là thời gian qua có việc một số loại nông sản làm ra dư thừa, không bán kịp, bà con nông dân phải bán với giá rẻ, thậm chí phải nhổ bỏ. Nhưng tình trạng rớt giá, dư thừa chỉ mang tính cục bộ ở một vài địa phương chứ không phải cùng lúc nhiều loại nông sản đều như vậy. Nếu nhìn tổng thể, sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn đang tăng trưởng. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm
thủy sản cả nước lên tới 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD so với năm 2016 xuất phát từ việc mở rộng được nhiều thị trường xuất khẩu. Ngay cả năm 2016, dù đầu năm nóng lên với chuyện phải “giải cứu” heo, đến cuối năm vẫn được đánh giá là một năm nông nghiệp được mùa, bội thu. Trong quý 1 năm nay, thị trường xuất khẩu nông sản cũng rất khả quan, có nhiều triển vọng tiếp tục bứt lên. Trước đây, chúng ta thường rất lo ngại về chuyện các loại trái cây “được mùa rớt giá”, nhưng hiện nay xuất khẩu trái cây lại trở thành một điểm sáng khi nhãn, vải, thanh long, xoài, chôm chôm... đã và đang chinh phục được những thị trường khó tính, tăng thu nhập cho người nông dân.
Về những sản phẩm mà thời gian qua dư luận đề nghị giải cứu có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do nuôi trồng vượt quy hoạch, bà con đổ xô trồng, chặt theo phong trào và thiếu thông tin thị trường. Khi sản lượng vượt quá nhu cầu sẽ gặp khó khăn về đầu ra. Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân như: năng lực
chế biến bảo quản và công nghệ còn yếu, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, việc áp dụng khoa học - công nghệ để kéo dài thời gian thu hoạch, chống thất thoát sau thu hoạch...
- Vậy làm cách nào để người nông dân có thể biết nên trồng hoặc nuôi bao nhiêu, chủ động tăng giảm sản lượng, diện tích thế nào khi thị trường đang trong tình trạng thiếu cung hoặc sắp dư thừa…
Đây chính là bài toán điều tiết thị trường và sản xuất. Để tránh dư thừa, hiện nhà nước đã đưa ra các quy hoạch cho từng sản phẩm, ngành hàng cụ thể căn cứ vào dự báo về nhu cầu của thị trường tiêu thụ và khả năng đáp ứng. Tuy nhiên, nan giải nhất hiện nay là tình trạng nhiều nơi phá vỡ quy hoạch khi nông sản được giá cao, tiêu biểu như tình trạng trồng hồ tiêu ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Khi giá hồ tiêu lên mức 200.000 đồng/kg, bà con đổ xô trồng, mở rộng diện tích, trồng xen canh và hệ quả là hiện nay giá hồ tiêu giảm chỉ còn 80.000 đồng/kg, người trồng tiêu lại chặt bỏ.
Cùng với đáp ứng và tuân thủ quy hoạch, giải pháp quan trọng nhất để hạn chế tình trạng được mùa mất giá, nông sản dư thừa không tiêu thụ kịp vẫn là chủ động thông tin và dự báo về thị trường cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Nếu có thông tin, dữ liệu về nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp và bà con nông dân có thể chủ động điều tiết nguồn cung một cách hợp lý. Đây là vai trò của các cơ quan chức năng trong việc định hướng, điều tiết và cung cấp thông tin thị trường. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các kênh truyền thông chính thống để dự báo về thị trường nông sản. Đồng thời, thông tin cũng được gửi trực tiếp tới các sở NN-PTNT, các hiệp hội ngành hàng để cập nhật các dữ liệu thị trường trong nước cũng như nước ngoài, dự báo và khuyến nghị về tình hình thị trường cho bà con. Thông qua bản tin thị trường nông sản hàng tuần, bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua tiêu thụ nông sản có thể nắm bắt thông tin để chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất kinh doanh, tránh bị động và tồn đọng sản phẩm.
Giải pháp quan trọng khi nguồn cung ngày càng tăng là phải đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đã và đang phối hợp với nhiều địa phương, hiệp hội; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, các diễn đàn, hội chợ, triển lãm và lễ công bố xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước.
- Như ông đề cập, để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, mở thị trường cho nông sản cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xuất khẩu, nhưng chất lượng nông sản đang là rào cản của chúng ta?
Hội nhập sẽ là cơ hội để nông sản Việt Nam chinh phục những thị trường tiềm năng nhưng cũng là thách thức, rào cản lớn nếu chúng ta không đáp ứng được chất lượng và
vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, một mặt cần tăng cường đàm phán tháo gỡ các rào cản kỹ thuật mà các thị trường nhập khẩu đưa ra, mặt khác phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho nông dân và doanh nghiệp cũng như cộng đồng xã hội các cam kết về chất lượng khi đưa nông sản vào các thị trường lớn. Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những thành công khi tháo gỡ các rào cản kỹ thuật cho mặt hàng gạo xuất sang châu Phi, xuất khẩu
thịt gà vào Nhật Bản, xuất khẩu thịt heo và các loại nông sản khác sang Trung Quốc, xuất khẩu trái cây sang Australia…
Để nâng cao chất lượng nông sản phục vụ xuất khẩu và tránh tình trạng nuôi trồng theo phong trào, giải pháp hiện nay là phải hình thành các chuỗi kết nối thông qua hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp. Bộ NN-PTNT cũng sẽ cố gắng kết nối với các địa phương để xây dựng những vùng nguyên liệu gắn với thị trường tiêu thụ, tăng cường xúc tiến thương mại liên vùng để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đồng thời đối với xuất khẩu, sẽ xác định tiềm năng của từng thị trường để tổ chức xúc tiến thương mại bài bản hơn.
- Cũng liên quan chuyện đầu ra cho nông sản, một vấn đề nóng hiện nay là ngành mía đường đang tồn đọng tới hơn 530.000 tấn và nhiều nơi phải nhổ bỏ mía để trồng cây khác… Vậy làm cách nào cứu ngành mía đường?
Hiện nay, ngành mía đường của chúng ta đang đối mặt với những khó khăn lớn là thị trường trong nước tiêu thụ chậm, lượng tồn kho hàng năm nhiều. Trong khi đó, các nhà máy đường từ nhiều năm nay phải đối mặt với tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam. Đường lậu giá rẻ nên có thời điểm đường Thái Lan gần như làm chủ thị trường nên đầu ra của các nhà máy càng gặp khó khăn, lượng đường tồn càng nhiều lên.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với sản xuất mía đường trong nước là chịu tác động của việc hội nhập kinh tế, khi chúng ta thực hiện cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)
nhập khẩu một lượng đường nhất định tăng 5% mỗi năm. Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu từ năm 2018, hạn ngạch nhập khẩu đường trong khối được dỡ bỏ và đến năm 2020, thuế nhập khẩu đường nội khối cũng chỉ còn 0%. Nếu đường ngoại nhập vào nhiều hơn, các nhà máy sẽ gặp khó khăn và sẽ giảm lượng thu mua mía của bà con nông dân, giá mía bị giảm. Đứng trước khó khăn, các doanh nghiệp mía đường đang đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đường với các doanh nghiệp tại khu vực ASEAN. Nhưng hội nhập sẽ là quá trình tất yếu nên giải pháp quan trọng nhất để các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với nông sản ngoại nhập vẫn là tự vực dậy, không trông chờ, ỷ lại vào sự bảo hộ của nhà nước.
Để chủ động tháo gỡ khó khăn, mới đây, Bộ NN-PTNT đã áp dụng giải pháp là quy hoạch lại ngành mía đường đến năm 2020 và 2030 theo hướng không xây dựng thêm các nhà máy đường, giữ số nhà máy hiện có (hiện cả nước có 41 nhà máy), đồng thời cũng không tăng thêm diện tích trồng mía và chỉ tập trung vào việc đổi mới công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng đường (chủ yếu là đường tinh luyện và đường trắng). Hiện tổng công suất thiết kế của các nhà máy đường là 174.000 tấn mía/ngày. Đến năm 2030, tổng công suất thiết kế của các nhà máy sẽ tăng lên khoảng 230.000 tấn mía/ngày, sản lượng đường khoảng 2,5 triệu tấn