0908.326.779 - 0906.362.707
 

Lo ngại hậu kiểm

20/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Lo ngại hậu kiểm
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đã tạo ra sự thông thoáng về thủ tục hành chính cho DN.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, việc thông thoáng này sẽ là khe hở để các cơ sở tuồn sản phẩm kém chất lượng ra thị trường khiến người tiêu dùng chịu trận.
Không dễ quản lý
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Nghị định 15 thay thế cho Nghị định 38, đặt dấu chấm hết cho quá trình gian khổ của DN trong các khâu thủ tục hành chính, không nâng cao được chất lượng ATTP mà gây tốn kém cho xã hội. Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng trách nhiệm của DN đối với sản phẩm của mình để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, với việc chuyển phương thức quản lý ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhiều ý kiến lo ngại làm thế nào để phân biệt được sản phẩm đạt chất lượng và sản phẩm không đạt chất lượng trên thị trường. Nếu chưa được hậu kiểm, liệu sản phẩm có đạt chất lượng theo công bố của DN hay không? Đại diện một DN sản xuất thực phẩm tại Hà Nội cho rằng, các DN làm ăn chụp giật, không đàng hoàng cũng có quyền tự công bố chất lượng sản phẩm. Khi cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm vi phạm, thì hầu hết sản phẩm đã chui tọt vào bụng người dân, ai chịu trách nhiệm? Theo đại diện DN này, không chỉ thực phẩm, mà mỗi năm có hàng trăm loại dược phẩm kém chất lượng được cơ quan chức năng thu hồi, tiêu hủy. Tuy nhiên, khi thu hồi được, thì thuốc cũng như thực phẩm chức năng đã được tiêu thụ phần nhiều. Đơn cử như sản phẩm thuốc ung thư được làm bằng bột than tre, đã sản xuất và tiêu thụ hàng tấn, nay cơ quan chức năng mới phát hiện thì đã có hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân ung thư từng sử dụng.
Cùng quan điểm, ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.food) cho rằng, với những DN lớn có uy tín, thương hiệu, có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu, họ sẽ cố gắng tuân thủ pháp luật và giữ uy tín với người tiêu dùng. Song các DN không thương hiệu, làm ăn chụp giật, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng lẫn các DN làm ăn chân chính?
Đối với vấn đề quản lý thực phẩm, theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay vấn đề về thực phẩm chức năng rất phức tạp, tình trạng thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, không biết chọn sản phẩm nào. Vì vậy, ông Phú đề xuất, cởi trói cho DN nhưng phải hậu kiểm chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm
Trước những lo ngại này, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho rằng, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện công bố sai, sẽ yêu cầu dừng sản xuất và thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vừa sản xuất. “Nghị định tạo điều kiện thông thoáng cho DN, nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý” - ông Phong khẳng định. Cũng theo ông Phong, để có biện pháp kịp xử lý kịp thời, nếu DN sai phạm, cơ quan quản lý khi hậu kiểm sẽ thực hiện lấy 3 mẫu, 1 mẫu lưu tại cơ sở, 2 mang về kiểm nghiệm. Nếu không đạt thì có biện pháp xử lý ngay. “Tránh trường hợp như trước, nhiều địa phương lấy mẫu kiểm tra, có khi mấy tháng mới có kết quả. Lúc này, sản phẩm vi phạm có thể đã được đưa ra thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” - ông Phong nói.
Tại TP Hồ Chí Minh, khi triển khai Nghị định 15, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Ban Quản lý ATTP cho rằng, khi một quy định mới mở cửa thông thoáng hơn cho người làm ăn chân chính, đồng nghĩa “mở” luôn cho người làm ăn không nghiêm túc, đây sẽ là thách thức lớn cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, với quy định mới này, công tác hậu kiểm phải tăng cường hơn, kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Cho dù tự công bố, nhưng hậu kiểm thấy DN sai vẫn có quyền xử phạt, yêu cầu ngưng sản xuất. Đặc biệt, đội hậu kiểm nay là sự phối hợp giữa phòng cấp phép và thanh tra nên yếu tố tiêu cực sẽ khó xảy ra hơn.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, TP đã phân cấp quản lý rõ ràng, từ các cấp cơ sở đến đoàn liên ngành TP sẽ tăng cường kiểm tra, hậu kiểm. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
Về phía Cục ATTP cũng sẽ đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ sửa đổi Nghị định 178 theo hướng tăng mức phạt hành chính với các DN vi phạm; Đồng thời áp dụng nghiêm túc Điều 317 của Bộ luật Hình sự với các vi phạm về ATTP. “Ngoài ra, Nghị định 15 chỉ là Nghị định về tạo cơ chế trong việc lưu hành sản phẩm trên thị trường, tập trung vào chỉ tiêu ATTP, không có nghĩa là bỏ trống chất lượng sản phẩm. Vấn đề này vẫn được Bộ Công an, Bộ KH&CN kiểm soát chặt chẽ” - ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Nam Trần