0908.326.779 - 0906.362.707
 

An toàn thực phẩm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

12/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
An toàn thực phẩm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Đây là một trong những điểm mới được đưa ra tại Nghị định 15/2018 của Chính phủ về việc thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm
Ngày 10/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chuyên đề Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thông tin nhiều điểm mới trong việc thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trong quý I/2018, công tác giám sát chất lượng an toàn thực phẩm tiếp tục được triển khai quyết liệt. Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan Trung ương và 39/63 tỉnh, thành phố thực hiện cho thấy, không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm salbutamol trong 145 mẫu thịt, 678 mẫu nước tiểu.

Tỷ lệ mẫu thịt các loại vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh 1/418 mẫu, chiếm 0,24% (giảm so với 0,63% năm 2017); vi phạm chỉ tiêu vi sinh 130/949 mẫu, chiếm 13,7% (giảm so với 26,7% năm 2017).

Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép 3/594 mẫu, chiếm 0,51% (giảm so với 0,6% năm 2017). Tỷ lệ mẫu thủy sản các loại vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh 24/819 mẫu, chiếm 2,93% (tăng  so với 0,89% năm 2017).

Cùng với đó, kết quả kiểm tra, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản theo Thông tư 45 cho thấy, 1.718/1.735 cơ sở được xếp loại A, B (chiếm 99%); thực hiện tái kiểm 4 cơ sở loại C, trong đó 3 cơ sở được lên hạng A, B. Như vậy, các cơ sở xếp loại A, B vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, tuy nhiên tỷ lệ các cơ sở xếp loại C được tái kiểm vẫn còn thấp (chiếm 23,5%).

Tại hội nghị, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thông tin về một số điểm mới của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định 15). Theo đó, Nghị định 15 điều chỉnh so với Nghị định 38 và chuyển hướng mạnh mẽ từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tự công bố hợp quy, phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu,…)

Cụ thể, thay đổi phương thức công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản phẩm thực phẩm. Trước đây, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm,…phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Hiện nay, Nghị định 15 quy định thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Trong đó, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực hiện tự công bố và gửi bản tự công bố qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.

Cùng với đó, Nghị định 15 quy định các điểm mới: mở rộng đối tượng cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thay đổi về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm; bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc lưu giữ thông tin, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm,…

Tại Hội nghị, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch để chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ do Chính phủ và Bộ NN&PTNT giao, tập trung bố trí nguồn lực triển khai các chương trình hành động của ngành về an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt chú trọng quảng bá các mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng chuyển mạnh sang thanh tra, kiểm tra đột xuất; tái kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản xếp loại C.

Về triển khai Nghị định 15, các đại biểu đề xuất cần nhanh chóng sửa đổi các thông tư nhằm phù hợp với Nghị định 15. Đồng thời, cần có những hướng dẫn, sáng tạo trong công tác triển khai để đáp ứng nhanh với những phương thức, cách làm mới./

BT