0908.326.779 - 0906.362.707
 

Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản

19/03/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản
Ngày 14/3, tại Tp. Hồ Chí Minh, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức cuộc họp “Liên lạc về thực phẩm” nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Tại cuộc họp, ông Nakagawa Motohisa, đại diện JETRO cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính, từng bước tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh, làm ăn.

Riêng với doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản, thông qua các cuộc họp, chương trình đối thoại nhiều khó khăn và vướng mắc đã được các cơ quan chức năng Việt Nam giải quyết kịp thời.

Cụ thể, vấn đề lấy mẫu kiểm tra đối với các sản phẩm có trọng lượng dưới 5 kg (sử dụng trong các chương trình giới thiệu sản phẩm hoặc phục vụ nghiên cứu…) đã được xóa bỏ; việc tổ chức các kỳ thi cấp chứng nhận về kiến thức an toàn thực phẩm dành cho người kinh doanh, nhân viên bán hàng thực phẩm đã được tổ chức thường xuyên hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh thương mại sản phẩm thực phẩm vẫn còn một số vấn đề, vướng mắc cần được giải quyết triệt để hơn như: thủ tục công bố sản phẩm; quy trình và thời gian kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch động, thực vật…

Theo đó, việc thực hiện hồ sơ công bố sản phẩm hợp quy hiện còn khá nhiều vướng mắc, đặc biệt đối với các sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam.

Ngoài kết quả kiểm nghiệm thành phần của thực phẩm nhập khẩu, doanh nghiệp thường xuyên được yêu cầu nộp bản kết quả kiểm nghiệm bổ sung, chứng minh xem thành phần sản phẩm có chứa các chất đặc biệt hay không.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, việc kiểm nghiệm thành phần của sản phẩm là cần thiết để đảm bảo tính an toàn của thực phẩm.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng yêu cầu kiểm nghiệm, cơ quan chức năng Việt Nam cần xây dựng danh mục các chất đặc biệt bắt buộc thực hiện kiểm nghiệm bổ sung để nâng cao tính minh bạch trong việc thực thi các quy định.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, vấn đề về công bố tính hợp quy của sản phẩm tại Việt Nam hiện nay đã được giải quyết rất đơn giản theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 2/2/2018, thay thế cho Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2012.

Theo đó, ngoài các sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dùng trong y học, cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm phải làm hồ sơ công bố sản phẩm thì các doanh nghiệp hiện nay có thể tự công bố sản phẩm trên website của mình, gửi một bản cho cơ quan quản lý của Việt Nam là có thể đưa sản phẩm ra thị trường và chịu trách nhiệm với thông tin mình đã công bố.

Liên quan tới vấn đề tần suất và thời gian kiểm dịch động thực vật, một số doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh, hiện nay việc kiểm dịch động thực vật được thực hiện với tất cả các lần nhập khẩu và thời gian lấy mẫu thử các mặt hàng thịt là 7 ngày, mặt hàng rau củ quả là 4 ngày.

Theo các doanh nghiệp, việc kiểm dịch là cần thiết nhưng do đặc thù là thực phẩm tươi sống nên việc kéo dài thời gian lấy mẫu thử sẽ khiến thực phẩm bị giảm chất lượng và độ tươi ngon.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu mà còn giảm cơ hội sử dụng thực phẩm chất lượng cao của người tiêu dùng Việt Nam.

Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn các cơ quan quản lý Việt Nam xem xét về việc giảm tần suất và rút ngắn thời gian kiểm tra mẫu thử trong phạm vi hợp lý.

Theo đó, đối với các doanh nghiệp mới và sản phẩm mới có thể kiểm tra thường thường xuyên và giảm tần suất lấy mẫu thử đối với các doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu một mặt hàng và có lịch sử tuân thủ tốt để cắt giảm chi phí, thời gian cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Ông Đào Duy Tám, Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng Cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan nhận được khá nhiều phản ánh về bất cập trong việc lấy mẫu thử nghiệm đối với mặt hàng thực phẩm.

Từ trước đến nay, việc lấy mẫu kiểm tra chỉ được thực hiện khi có đủ đại diện của cơ quan hải quan, cơ quan quản lý chuyên ngành và cảng vụ, vì vậy mất khá nhiều thời gian.

Trong thời gian tới, hải quan sẽ không tham gia vào khâu lấy mẫu và áp dụng phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cho phép doanh nghiệp thông quan hàng hóa trước và đưa về khu vực bảo quản ngoài cửa khẩu, sau đó mới tiến hành kiểm tra chuyên ngành.

Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật và Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, hiện nay quy định thời gian kiểm dịch thực vật đối với hàng hóa qua cửa khẩu là không quá 4 giờ, hàng hóa quá sân bay, cảng biển là không quá 10 giờ.

Vì vậy, đối với các trường hợp doanh nghiệp bị kéo dài thời gian thông quan, lấy mẫu kiểm nghiệm cần cung cấp đầy đủ thông tin về đơn vị thực hiện để cơ quan quản lý Việt Nam xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

Lãnh đạo các Bộ ngành của Việt Nam khẳng định, ngoài các nội dung đã được pháp luật Việt Nam quy định và thông lệ quốc tế, cơ quan chức năng Việt Nam chỉ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu khi có cảnh báo mất an toàn từ quốc gia xuất khẩu hoặc các tổ chức quốc tế.

Việt Nam cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh hiệu quả, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia./.

Xuân Anh/TTXVN