Nghị định 15/2018/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ 2/2/2018 (thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012) được coi là bước đột phá trong phương thức quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong xung quanh vấn đề này.
Doanh nghiệp hết bị “làm phiền”
Thưa ông, nhiều người ví Nghị định 15/2018/NĐ - CP như là "cuộc cách mạng" trong quản lý ATTP?
- Nghị định 15/2018 NĐ - CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP với 13 chương 44 điều, có hiệu lực ngay từ ngày ký 2/2/2018, thay thế Nghị định số 38/2012. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định về thủ tục tự
công bố sản phẩm, thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, đảm bảo ATTP biến đổi gen; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; kiểm tra nhà nước về ATTP
nhập khẩu, xuất khẩu; ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện đảm bảo ATTP… Điểm mới của Nghị định là cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho DN, song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe Nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, các DN được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.
Sản phẩm nào vẫn phải được công bố tại Bộ Y tế, Sở Y tế, và DN liệu có gặp khó khi phải công bố tại cơ quan chức năng không, thưa ông?
- Những thực phẩm bảo vệ sức khỏe,
phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới sẽ đăng ký bản công bố tại Cục ATTP, Bộ Y tế. Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo, DN đăng ký bản công bố tại Sở Y tế địa phương. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế T.Ư, có khoảng 95% sản phẩm thực phẩm không cần phải tiến hành các thủ tục về mặt hành chính, chỉ có 5% sản phẩm phải công bố tại các cơ quan chức năng, tuy nhiên không lo bị làm phiền, bởi hiện nay, bộ, ngành đều đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến, mọi thủ tục đều nhanh gọn, khoa học, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Nếu làm được theo đúng tinh thần này thì có thể tiết kiệm được 1,8 triệu ngày công và hơn 600 tỷ đồng.
Đoàn liên ngành TP kiểm tra ATTP tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Thu Ngân
|
Từ trước đến nay vẫn còn tình trạng có những sản phẩm 3 bộ cùng quản làm phiền DN, đặc biệt là những sản phẩm giao thoa của 3 bộ. Nghị định lần này có sự thay đổi không?
- Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, Nghị định đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 bộ gồm Y tế, Công Thương, NN&PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối. Riêng với một số DN sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm giao thoa thuộc thẩm quyền quản lý của 2 bộ trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào, cơ quan đó sẽ quản lý. Như vậy, DN sẽ không phải qua “3 cửa” như trước đây. Ngoài ra, trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP của địa phương cũng được tăng cường. Nghị định không quy định trực tiếp cho đơn vị nào của địa phương quản lý mà giao cho UBND tỉnh, TP quyết định, dựa theo tình hình thực tế của từng địa phương. Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương nhanh chóng thực hiện, không để thời gian chuyển tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Phạt nặng nếu vi phạm
Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 15 tạo thuận lợi tối đa cho DN, nhưng lại dồn mối lo cho người tiêu dùng khi để DN tự công bố chất lượng ATTP, quan điểm của ông về vấn đề này?
Nghị định tạo thông thoáng cho DN, nhưng không buông lỏng quản lý, cho phép DN tự công bố sản phẩm, nhưng không có nghĩa là muốn công bố thế nào cũng được, muốn quảng cáo ra sao cũng tùy. Sự ra đời của Nghị định 15 đặt gánh nặng trách nhiệm lên “vai” DN. DN tự công bố
chất lượng sản phẩm nhưng vẫn phải chịu sự hậu kiểm của cơ quan chức năng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng sản xuất.
Với lực lượng thanh tra y tế cũng như thanh tra ngành thực phẩm quá mỏng như hiện nay, khâu hậu kiểm khó mà “đặt chân” đến hết các DN sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm?
- Từ trước đến nay, thực tế còn tình trạng một số địa phương vẫn "khoán trắng" công tác thanh tra, kiểm tra ATTP cho cơ quan y tế. Quản lý ATTP cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Chúng tôi đã đề nghị Chi cục
ATVSTP các địa phương phải dồn nguồn lực vào công tác hậu kiểm. Bên cạnh đó, đòi hỏi chính quyền địa phương cũng phải xắn tay vào cuộc, giám sát, thanh, kiểm tra, hậu kiểm… Khi đi hậu kiểm cần thực hiện lấy mẫu và kiểm nghiệm ngay, không đạt phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Tránh trường hợp đi kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nhưng mấy tháng sau mới có kết quả, lúc này, sản phẩm vi phạm có thể đã được đưa ra bán, tiêu thụ hết và người tiêu dùng đã chịu hậu quả.
Nhiều vụ ngộ độc xảy ra do phụ gia thực phẩm, đây đang là mối lo chung của người tiêu dùng, nếu để DN tự công bố chất lượng, liệu có siết được việc sử dụng phụ gia theo danh mục của các cơ sở chế biến thực phẩm không, thưa ông?
- Nghị định lần này rất quan tâm đến chỉ tiêu về mặt an toàn. Các cơ sở chỉ được phối trộn các phụ gia thực phẩm khi các phụ gia thực phẩm đó thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định. Sản phẩm cuối cùng của sự phối trộn không gây ra bất cứ tác hại nào với sức khỏe con người; trường hợp tạo ra một sản phẩm mới, có công dụng mới phải chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng và mức sử dụng tối đa. Ngoài ra, việc sang chia, san, chiết phụ gia thực phẩm phải được thực hiện tại cơ sở đủ điều kiện ATTP và ghi nhãn theo quy định.
Trong trường hợp phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế theo quy định.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP sản phẩm được tự công bố gồm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ chứa đựng thực phẩm; vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ: Nhóm sản phẩm được miễn thủ tục tự công bố (sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ, không tiêu thụ trong nước);
Nhóm sản phẩm phải làm thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; Phụ gia hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng theo quy định của Bộ Y tế
|