0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nghị định mới thay đổi căn bản cách quản lý an toàn thực phẩm

10/02/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Nghị định mới thay đổi căn bản cách quản lý an toàn thực phẩm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP.

Trước khi được ban hành, dự thảo Nghị định mới được các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp châu Âu đánh giá là “cực kỳ thuận lợi” và họ “mong đợi từng giờ” Nghị định mới được ban hành.

Ngay sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3/2/2018 (Nghị định 15), phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về những điểm mới căn bản của Nghị định 15.

 

Khoảng 70-75% tổng số lượng sản phẩm bao gói sẵn trên thị trường sẽ được tự công bố sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Xin ông cho biết những điểm mới cơ bản của Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Thứ nhất, Nghị định 15 sẽ làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý trước đó, tức là thay vì tất cả các sản phẩm bao gói sẵn trước đây phải cấp giấy xác nhận phù hợp thì bây giờ chỉ có 3 nhóm sản phẩm bao gồm: nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ tới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới và những sản phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt như thực phẩm ăn qua xông cho người bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ, phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan quản lý.

Các sản phẩm còn lại do các doanh nghiệp tự công bố. Trong đó có các chỉ tiêu an toàn về kim loại nặng, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các vi sinh vật gây bệnh, nấm men, nấm mốc… các doanh nghiệp cũng tự công theo mức giới hạn cho phép mà Bộ Y tế đã quy định. Đồng thời, doanh nghiệp phải gửi một bản tới cơ quan quản lý, sau đó được phép sản xuất. Các cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào bản công bố này để tăng cường hậu kiểm, nếu lấy mẫu kiểm nghiệm mà không đúng như mẫu doanh nghiệp tự công bố thì sẽ xử lý rất nghiêm.

Đối với kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Nghị định 15 sẽ giảm tối đa số lô sản phẩm phải kiểm nghiệm, đặc biệt là những sản phẩm đã công bố đăng ký chất lượng và các nhà máy đã có chứng nhận hệ thống GMP, HACCP…, khi nhập khẩu, hải quan chỉ kiểm tra hồ sơ, trừ trường hợp có cảnh báo và trường hợp sản phẩm ra thị trường mà phát hiện sai phạm thì sẽ đưa vào dạng kiểm soát chặt.

Một điểm mới nữa của Nghị định là phân cấp về địa phương. Trước đây, việc xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe... được thực hiện đăng ký tại các Bộ liên quan, còn theo Nghị định 15 thì Bộ Y tế chỉ quản lý một nhóm sản phẩm, đó là sản phẩm bảo vệ sức khỏe và sản phẩm phụ gia hỗn hợp có công dụng mới, còn các sản phẩm khác sẽ đăng ký địa phương.

Hiện có khoảng bao nhiêu sản phẩm không phải công bố với cơ quan quản lý trước khi sản xuất, đưa ra thị trường? Những doanh nghiệp còn kiểm tra, thủ tục có đơn giản không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Trên thị trường hiện nay có khoảng 70-75% tổng số lượng sản phẩm bao gói sẵn trên thị trường sẽ được tự công bố.

Những sản phẩm vẫn phải kiểm tra còn khoảng hơn 20%, tuy nhiên thủ tục công bố cũng sẽ đơn giản hơn như biểu mẫu, số hồ sơ đi kèm cũng được lược bỏ bớt nhưng bắt buộc các doanh nghiệp phải có lộ trình sản xuất hướng tới hệ thống đạt chuẩn GMP hoặc HACCP.

Bên cạnh đó, hồ sơ của các doanh nghiệp này cũng bắt buộc phải có tài liệu chứng minh công dụng sản phẩm, công dụng cũng phải gói gọn trong thực phẩm, chứ không phải không có cơ sở.

Nếu các doanh nghiệp sau khi tự công bố sản phẩm mà bị phát hiện không đúng như công bố, sẽ bị xử lý như nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Trước đây, thay vì ngồi để cấp chứng nhận tiêu chuẩn, bắt doanh nghiệp đi kiểm nghiệm để so sánh, thì giờ đây cơ quan quản lý tập trung tối đa nguồn nhân lực cho công tác hậu kiểm.

Ngay sau khi Nghị định này được ban hành, chúng tôi đã triển khai kế hoạch để hướng dẫn địa phương và các đơn vị thực hiện ngay phương thức quản lý mới, kể cả biểu mẫu đăng ký hoặc biểu mẫu công bố, đồng thời sẽ có kế hoạch tăng cường hậu kiểm và lấy mẫu kiểm nghiệm.

Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 178 của Chính phủ. Hiện, Bộ Y tế cũng đang đề xuất thay đổi mức phạt theo hướng nặng hơn rất nhiều để các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc bảo đảm sản phẩm khi đưa ra thị trường, đặc biệt là rút giấy phép và nêu tên trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và tránh lựa chọn sử dụng.

Nghị định 15 sẽ được thực hiện theo nguyên tắc là thông thoáng cho doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hà