Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; theo đó, đề xuất cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư, kinh doanh và 168/338 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, bệnh viện và người bệnh cho rằng, vẫn còn không ít quy định cản trở việc kinh doanh thuốc chữa bệnh, khiến người bệnh khó tiếp cận với dịch vụ này tại cơ sở y tế.
Việc cắt, giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất
Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, năm 2017, Bộ Y tế xếp hạng thứ 18 trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính. Vì thế, việc Bộ công bố dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, theo hướng cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư, kinh doanh (gần 70%) và 168/338 thủ tục hành chính (gần 50%), được coi là cuộc "cách mạng" về thủ tục hành chính. Riêng dược phẩm, Bộ Y tế đề xuất cắt giảm 77/144 điều kiện đầu tư, kinh doanh (hơn 53%) và 121/157 thủ tục hành chính (hơn 77%).
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, quy định hiện hành muốn đưa ra hành lang pháp lý để quản lý thật chặt, rồi mới đến bảo đảm chất lượng và tiêu chí của các dịch vụ y tế. Song, thực tế đã bộc lộ một số hạn chế; mục tiêu quản lý chặt thị trường dược phẩm, giảm giá thuốc cho người bệnh chưa như mong muốn.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không theo kiểu cơ học, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện. Tuyệt đối không giảm cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.
Không chỉ riêng thuốc chữa bệnh, nhiều bệnh nhân cũng chưa hài lòng về thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh; còn không ít phiền toái, khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu... Trước thực tế đó, dự thảo nghị định lần này được Bộ Y tế soạn thảo theo nguyên tắc cố gắng cởi bỏ những ràng buộc, các thủ tục gây khó khăn, kể cả với cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng như bệnh viện và người bệnh. Mục tiêu đặt ra là nhằm thay đổi cách thức tiếp cận để quản lý chất lượng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, nhất là tăng sự hài lòng với người bệnh.
Lo thiếu thuốc do vướng quy định
|
Người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. |
Tuy cắt giảm hơn 1.100 điều kiện kinh doanh, song không ít bệnh viện, doanh nghiệp dược vẫn “than phiền” một số quy định gây khó cho hoạt động của nhà thuốc bệnh viện vẫn chưa được đưa vào dự thảo nêu trên.
Ví dụ, Khoản 2, Điều 136, Nghị định 54/2017/NĐ-CP (nghị định hiện hành) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, ban hành ngày 8-5-2017 quy định: Cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám, chữa bệnh đó và thuốc đã trúng thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong vòng 12 tháng... đang gây rất nhiều khó khăn cho khối bệnh viện tư. Ông Phạm Văn Học, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương lý giải, cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước đấu thầu thuốc mới có thể áp dụng quy định này, còn cơ sở y tế tư nhân rất khó để thực hiện. Chưa kể, cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện cũng giống cơ sở bán lẻ thuốc bên ngoài, tức là cùng kinh doanh các sản phẩm dược phục vụ khám, chữa bệnh. Nếu chỉ bán thuốc đã trúng thầu dẫn đến việc nhiều loại thuốc mới vào Việt Nam, đã được phép lưu hành nhưng chưa nằm ở gói thầu nào sẽ không được bán, gây khó cho cả bệnh nhân và bệnh viện.
Không chỉ bệnh viện tư, ngay cả bệnh viện công cũng gặp khó khăn khi trên thị trường có gần 30.000 loại thuốc, song danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả chỉ gần 900 hoạt chất (tương đương hơn 1.000 loại thuốc). Như vậy, còn rất nhiều thuốc sẽ không có trong danh mục đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, không có mặt trong nhà thuốc bệnh viện, nhất là các thuốc hiếm, thuốc đặc trị. Theo bà Trần Thị Thanh Hóa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, các bệnh viện tuyến cuối cần dùng thuốc đặc trị, nếu những loại này không có trong bệnh viện, không chỉ gây khó khăn cho bác sĩ kê đơn, mà còn gây phiền hà, khốn khổ cho người bệnh khi phải tìm mua thuốc bên ngoài. Trong khi đó, trên thị trường, tình trạng thuốc giả, kém chất lượng... chưa được kiểm soát hoàn toàn. Khi không có nhà thuốc bệnh viện cạnh tranh thì nhà thuốc ở ngoài tha hồ “hét” giá, khiến mục tiêu giảm giá thuốc cho người bệnh khó khả thi.
Ông Phạm Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 cũng đề nghị, đẩy nhanh việc công bố giá kê khai, kê khai lại trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Theo quy định, cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được cơ quan quản lý công bố, vì thế nếu chậm trễ, thuốc nhập về không thể phục vụ ngay người bệnh.
Liên quan đến vấn đề trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế vẫn tiếp tục rà soát và bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, chồng chéo, gây khó khi thực hiện, trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các bên, của cả người bệnh và doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đề cập đến 9 lĩnh vực: Khám, chữa bệnh; dược phẩm, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; trang thiết bị y tế; y dược cổ truyền; y tế dự phòng; sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; xét nghiệm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ, xác định lại giới tính. Các điều kiện và thủ tục được cắt giảm đang được quy định tại 6 luật, 13 nghị định và 7 thông tư. Dự kiến, dự thảo Nghị định được trình Chính phủ trong tháng 5 này. |