Hiện lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP và mức độ tăng trung bình năm duy trì trong khoảng 18%.
Trong khi đó, sản xuất
chế biến thực phẩm chỉ tăng 8,5%/năm, sản xuất đồ uống chỉ tăng 7,4%/năm. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, chỉ có 1% doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm. Đây chính là dư địa lớn hấp dẫn nhà đầu tư.
5 yếu tố hấp dẫn đầu tư chế biến thực phẩm
So sánh với môi trường đầu tư của các nước trong khu vực, Việt Nam đang có 5 lợi thế lớn, thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Cụ thể, sức tiêu thụ nội địa tăng cao; nguồn nguyên liệu thô dồi dào và phong phú; dư địa đầu tư cao; chính
sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và có thị trường thế giới rộng lớn với hàng loạt ưu đãi thuế xuất khẩu. Phân tích về những lợi thế này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, Chính phủ Việt Nam định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm
nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, từ đó
xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Về thực tế hoạt động của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam cho thấy, mức tăng của sản lượng ngành chế biến thực phẩm hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Số liệu thống kê cho thấy lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP và đã tăng trung bình 18%/năm. Mức tiêu thụ thực phẩm Việt Nam còn tăng cao theo mức tăng GDP bình quân đầu người. Hiện GDP bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 5.370 USD và mục tiêu vào năm 2035 GDP bình quân đầu người sẽ lên đến 15.000 USD và vào năm 2040 sẽ đạt 18.000 USD. Trong vòng 20 năm tới với tốc độ tăng trưởng kinh tế khả thi ở mức 5%/năm, có thể đến 6%, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cùng việc phát triển các khu vực đô thị hóa và gia tăng thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ khiến người dân quan tâm và có nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến có chất lượng cao. Trong khi đó, sản xuất chế biến thực phẩm chỉ tăng 8,5%/năm và sản xuất đồ uống chỉ tăng 7,4%/năm.
Bên cạnh việc đầu tư để khai thác thị trường nội địa, tiềm năng khai thác và chế biến thực phẩm của Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất đáng kể. Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu gạo,
cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Xuất khẩu nông lâm,
thủy sản của Việt Nam năm 2015 đạt 30.14 tỷ USD,
nhập khẩu đạt 23,05 tỷ USD. Dự kiến từ năm 2017 xuất khẩu nông lâm, thủy sản Việt Nam đạt trên 31 tỷ USD. Các mặt
hàng nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 100 nước trên thế giới. Chất lượng nguyên liệu thực phẩm Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của bạn hàng trên khắp thế giới. Điển hình như mặt hàng cà phê, tháng 8-2015, Công ty Starbucks công bố trên trang web chính thức của mình về việc bắt đầu bán cà phê Arabica có xuất xứ từ Cầu Đất, TP Đà Lạt, Việt Nam tại hơn 21.500
cửa hàng ở 56 quốc gia trên toàn thế giới, trong khi chỉ có 3% lượng cà phê trên thế giới mới đáp ứng được tiêu chuẩn của cà phê Starbuck. Điều đó chứng tỏ rằng nguồn nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam hiện nay có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các hãng thực phẩm và đồ uống uy tín nhất trên thế giới.
Không dừng lại đó, việc đầu tư công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam còn được đánh giá là hấp dẫn do có nhiều chính sách ưu đãi thuế và đầu tư cạnh tranh hơn các nước trong khu vực. Cụ thể như thuế thu nhập DN giảm 25% xuống còn 20%. Với những dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư, DN còn được miễn giảm thuế một số năm, tối đa miễn thuế 4 năm, giảm 50% mức thuế trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu công nghệ nhập khẩu phục vụ sản xuất. Sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ được hưởng ưu đã thuế khi xuất khẩu vào thị trường 50 quốc gia trên thế giới, nhất là những nước thuộc G20.
Thị trường xuất khẩu vắng thương hiệu Việt
Tuy có nguồn nguyên liệu nông thủy sản dồi dào và phong phú nhưng sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô, chiếm khoảng hơn 90%. Đại diện nhiều DN Việt Nam cho rằng, những chính sách ưu đãi đầu tư chỉ mới nhắm đến mục đích hấp dẫn nhà đầu tư ngoại mà thiếu sự hỗ trợ hiệu quả cho DN nội tham gia vào sân chơi này. Trên thực tế, những DN nội tham gia trong lĩnh vực chế biến thực phẩm vẫn phải nhập khẩu 80% nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài. Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và nghề Muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần phải phân biện rõ nguyên liệu
nông sản thực phẩm thô với nguyên liệu tinh chế để sản xuất chế biến. Hiện Việt Nam chỉ có nguyên liệu thô phong phú nhưng để sản xuất cần phải có nguyên liệu tinh chế. Tại phân khúc này thì hiện có rất ít DN tham gia đầu tư. DN nội muốn đầu tư nhưng lại không đáp ứng các điều kiện về nguồn vốn đầu tư. Chưa hết, việc liên kết vùng nguyên liệu sản xuất với quy hoạch đầu tư nhà máy chế biến vẫn chưa đồng bộ. Nông dân nước ta vẫn quen sản xuất theo hình thức hộ gia đình, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu thô cho nhà máy sản xuất. Đây cũng chính là rào cản lớn tồn tại trong nhiều năm qua khiến cho ngành chế biến thực phẩm nói chung vẫn tăng trưởng với tốc độ rất chậm.
Ông Claudio Dordi, chuyên gia dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (Mutrap) nhấn mạnh thêm, hiện có nhiều nước đang tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam nhưng không biết đó là sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam. Điều này cho thấy, vấn đề hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam là rất quan trọng. Nếu chuyển sang xuất khẩu sản phẩm nông thủy sản đã qua chế biến thì không những tăng giá trị gia tăng mà còn tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại. Một vấn đề khác là quản lý
an toàn vệ sinh thực phẩm. Đã có nhiều tổ chức, công ty hỗ trợ DN nội nâng cao tiêu chuẩn
an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu. Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này.