0908.326.779 - 0906.362.707
 

Sớm rà soát toàn diện, minh bạch tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm

12/11/2016    4.6/5 trong 5 lượt 
Sớm rà soát toàn diện, minh bạch tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm
Ngày 2.11 tại huyện đảo Phú Quốc, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống gắn với bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống

Tại hội nghị, các bộ, ngành trung ương, địa phương các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, hiệp hội nước mắm đã thảo luận, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, nêu giải pháp đã và đang thực hiện, nhằm bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm, bảo vệ nguồn lợi và sản lượng khai thác cá cơm ở vùng biển Tây Nam Bộ.

Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc khẳng định: Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đạt chỉ dẫn địa lý được khối Liên minh Châu Âu công nhận từ tháng 12.2012, là nét văn hóa đặc trưng của đảo ngọc. Hằng năm, Phú Quốc cung cấp ra thị trường trên 20 triệu lít nước mắm, mang lại doanh thu hơn 600 tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: Bộ Y tế lấy mẫu nước mắm truyền thống nói riêng cũng như nước mắm Việt Nam kiểm tra cho thấy không bị nhiễm asen vô cơ mà chỉ có asen hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Thông qua hội nghị lần này, bộ sẽ thành lập các đoàn công tác gồm các nhà khoa học, các nhà chuyên môn cũng như các nhà quản lý các hiệp hội nhằm rà soát lại các quy định quản lý nhà nước về quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn, làm rõ những khái niệm thế nào là nước mắm, thế nào là nước chấm.

Bộ sẽ thành lập liên hiệp các hiệp hội nước mắm truyền thống toàn quốc trên cơ sở tự nguyện và xây dựng những quy định để bảo vệ nước mắm truyền thống.

Bộ NNPTNT vào cuộc...

Theo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, để phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh nước mắm hiện nay, đồng thời đảm bảo thông tin rõ ràng, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tạo điều kiện để các cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức nghiên cứu, rà soát toàn diện tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để làm rõ hơn khái niệm nước mắm truyền thống.

Theo Quy chuẩn TCVN 5107:2003, nước mắm được chia thành 4 loại: Loại đặc biệt: Độ đạm >30N g/l. Loại thượng hạng: Độ đạm >25 N g/l. Loại hạng 1: Độ đạm >15N g/l. Loại hạng 2: Độ đạm >10N g/l. Dưới 10 độ đạm, không được gọi là nước mắm. Khuyến nghị của các nhà “nước mắm học” là nên chọn sản phẩm có độ đạm tự nhiên. Độ đạm tự nhiên là độ đạm không can thiệp bằng hóa chất hay máy móc công nghệ. Độ đạm có được theo phương pháp truyền thống, dao động trong khoảng 30gN/lít - 40gN/lít.

TCVN 5107: 2003 cũng bắt buộc ghi trên nhãn với mắm và sản phẩm mắm thành phần: Độ đạm tổng số. Theo quy định, ngoài việc đảm bảo chất lượng nước mắm, các cơ sở phải thực hiện việc ghi nhãn minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Điều 11 và khoản 2, Điều 12, Nghị định số: 89/2006/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa và thông tư liên tịch 34-2014-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27.10.2014 về việc ghi nhãn hàng hóa với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩmbao gói sẵn thì những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn, bao gồm: Thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, sử dụng, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, xuất xứ, số giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố hợp quy quy định an toàn thực phẩm, khuyến cáo cảnh báo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả thanh, kiểm tra cho thấy hiện nay, một số cơ sở sản xuất chỉ thể hiện thông tin về hàm lượng đạm tổng trên nhãn, không công bố hàm lượng đạm axit amin hay đạm amoniac, hoặc công bố không trung thực hàm lượng đạm trên nhãn.

Ngoài ra, đối với các cơ sở SX nước mắm sử dụng phụ gia thì việc thể hiện các thông tin về các loại phụ gia đã được sử dụng trong quá trình SX cũng chưa minh bạch. Thực tế hiện nay, các văn bản quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, ATTPnước mắm đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên, việc ghi nhãn lại chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều DN mập mờ nhãn mác, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Bộ NNPTNT cũng sẽ quy định rõ hơn về phân loại, ghi nhãn và các nội dung, đảm bảo phù hợp, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế CODEX STAN 302-2011 “Standard for fish sauce”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch danh dự Hiệp hội sản xuất và xuất khẩu thủy sản (Vasep) - Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho rằng: Dù việc ban hành quy chuẩn về tiêu chuẩn nước mắm được giao cho Bộ Y tế hay Bộ NNPTNT làm, thì đều cần được triển khai sớm có quy định rạch ròi phân biệt giữa nước chấm công nghiệp và nước mắm truyền thống, tránh để người tiêu dùng bị thiệt thòi

HOÀNG DUNG - PHONG NGUYỄN