Vụ hàng nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á, huyện Củ Chi đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vụ việc này làm dấy lên lo ngại của người tiêu dùng về công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, nhất là ngành thú y trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, lưu thông phân phối thực phẩm tươi sống
Chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo được thành phố triển khai từ cuối năm 2016 với hàng trăm trang trại chăn nuôi, hàng chục cơ sở giết mổ cùng nhiều đơn vị lưu thông phân phối trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận đăng ký tham gia. Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, lưu thông phân phối phải cam kết thực hiện nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như: Nguồn gốc con giống; thức ăn chăn nuôi; không sử dụng kháng sinh, chất cấm trong quá trình nuôi dưỡng. Cơ sở giết mổ phải bảo đảm vệ sinh. Trước khi giết mổ được cán bộ thú y kiểm tra dịch bệnh, lượng tồn dư các chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng... Cùng với các chương trình khác như truy xuất nguồn gốc rau xanh; truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm..., thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân.
Ðể có những loại thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh cung cấp ra thị trường, việc Sở Công thương và các cơ quan chức năng tổ chức đề án, ban hành các quy định, quy chuẩn cụ thể; quy trình thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt là rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn chương trình thật sự có hiệu quả thì công tác kiểm tra, giám sát để tất cả cơ sở tham gia tuân thủ mọi quy định từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối là hết sức quan trọng. Việc một cơ sở giết mổ lớn như Xuyên Á, mỗi ngày cung cấp hàng nghìn tấn thịt heo ra thị trường bị bắt quả tang tiêm thuốc an thần cho hàng nghìn con heo trước khi giết mổ là một thí dụ điển hình về việc không chấp hành pháp luật, các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm; vi phạm những điều cam kết với chính quyền và người tiêu dùng thành phố; thể hiện sự yếu kém về đạo đức nghề nghiệp, danh dự, uy tín của người sản xuất, kinh doanh.
Qua sự việc nêu trên, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao cơ sở đã đăng ký tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo nhưng lại vi phạm với quy mô rất lớn, diễn ra trong thời gian dài nhưng đến nay mới bị phát hiện? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cơ quan thú y, nhất là những cán bộ, công chức trực tiếp được phân công nhiệm vụ kiểm tra, giám sát như thế nào trong vụ việc này? Ngoài cơ sở nêu trên, còn bao nhiêu cơ sở chăn nuôi, giết mổ khác chưa bị phát hiện?...
Người tiêu dùng thành phố mong các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm trong thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm; xử lý nghiêm những người vi phạm; cán bộ, công chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Theo quy định hiện hành, hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền, buộc ngừng hoạt động trong một thời gian nhất định... Ðối với cơ sở vi phạm, thiệt hại vật chất có thể bù đắp được, thế nhưng, khi uy tín, danh dự không còn thì sự mất mát sẽ vô cùng lớn và rất khó hồi phục