Việc kiểm nghiệm thực phẩm định kỳ là việc làm bắt buộc của doanh nghiệp sau khi công bố thực phẩm với cơ quan chức năng.
Việc kiểm nghiệm thực phẩm là một hình thức kiểm soát chất lượng, bắt buộc thực hiện định kỳ trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra trong bộ hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải đính kèm theo bản kế hoạch giám sát định kỳ, trong bản kế hoạch này mô tả tần suất và nội dung kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định Nhà nước.
Việc kiểm nghiệm thực phẩm là một hình thức kiểm soát chất lượng, bắt buộc thực hiện định kỳ trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Dân Trí
Sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục công bố sản phẩm và được cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm thì sẽ luôn chịu sự giám sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế tại địa phương về việc kiểm nghiệm định kỳ thông qua các cuộc thanh tra đột xuất tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Quy định này căn cứ Điều 12, 13 – chương IV trong Thông tư 19/2012/TT-BYT của Bộ Y Tế.
Chế độ kiểm nghiệm định kỳ: 1 lần/năm đối với sản phẩm của cơ sở có một trong các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương. 2 (hai) lần/năm đối với sản phẩm của các cơ sở chưa được cấp các chứng chỉ GMP, HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương.
Việc lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân hoặc tổ chức, cá nhân chủ động mời cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Các chỉ tiêu để kiểm nghiệm định kỳ là các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đã công bố trong Bản thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc trên nhãn sản phẩm đang lưu hành; một số chỉ tiêu hóa lý, vi sinh vật đã công bố trong Bản thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc theo quy định của pháp luật.
Nếu doanh nghiệp nào vẫn chưa thực hiện đúng quy định về kiểm nghiệm thực phẩm, khi thanh tra An toàn thực phẩm phát hiện; họ có thể sẽ xử phạt theo những quy định trong Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ cụ thể như sau:
Điều 21: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến, kinh doanh thực phẩm;
b) Không thực hiện kiểm nghiệm nước định kỳ theo quy định;
Điều 26: Vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Không duy trì việc kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định;
Vào tháng 6 vừa qua, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế vừa ký Quyết định số 30/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty TNHH Châu Đại Dương (phường 11, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) vì không thực hiện kiểm nghiệm định kỳ cho 6 sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ do đơn vị kinh doanh.
Trước đó, Thanh tra Bộ Y tế cũng ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Humana Việt Nam, chi nhánh Hà Nội, số tiền 25 triệu đồng vì không kiểm nghiệm đầy đủ các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.