0908.326.779 - 0906.362.707
 

Khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi

13/11/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi
Mặc dù đã xây dựng một khung pháp lý cơ bản cũng như có chiến lược quốc gia phát triển quyền sở hữu trí tuệ, song việc thực thi pháp luật về bản quyền tại Việt Nam còn nhùng nhằng và nhiều lỗ hổng. Trong đó, xâm phạm bản quyền trên môi trường số được cảnh báo đang ngày càng có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn
Luẩn quẩn thực thi 
 
Chia sẻ về thiệt hại vì bị xâm phạm bản quyền trên môi trường số, ông Nguyễn Thanh Vân (Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam) than thở, đã có hàng nghìn chương trình do VTV sản xuất bị nhiều đơn vị truyền thông, các trang web vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp tự ý thu, phát lại các chương trình ăn khách của VTV dưới hình thức online hoặc phát lại, đồng thời chèn quảng cáo để thu lợi bất chính. “Các hành vi xâm phạm bản quyền này đã khiến VTV bị tổn thất lớn, thậm chí nhiều đối tác quốc tế đã quyết định ngừng hợp tác với Đài. Các vụ việc cắt sóng một số trận đấu của giải bóng đá Champions League và Europa League vào giữa năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề về uy tín kinh doanh và kinh phí mua bản quyền của Đài…”, ông Nguyễn Thanh Vân cho biết.
 
Thực tế cũng ghi nhận nhiều chương trình do VTV sản xuất đã bị xâm phạm nghiêm trọng trên nền tảng số. Chỉ vài giây thao tác là đã tìm thấy hàng trăm website, ứng dụng di động, các tài khoản cá nhân trên Facebook, YouTube ngang nhiên vi phạm bản quyền các chương trình của VTV để thu lợi bất chính. Chỉ trong tháng đầu tiên khi VTV phát sóng hai bộ phim rất ăn khách là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” thì đã có trên 400 trang Facebook và tài khoản YouTube cũng đã phát trực tiếp hai bộ phim, đáng nói là có đến hàng trăm nghìn lượt người xem trực tiếp.
 
Trong thời gian qua, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện, sửa đổi chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, giữa hệ thống quy định này với hiệu quả triển khai trong thực tế vẫn còn tồn tại một khoảng cách khá xa.
 
Loay hoay giải pháp
 
Tại một cuộc hội thảo mới đây bàn về vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả trong môi trường số, bà Louise Holmsgaard (Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm khỏa lấp những “khoảng trống” trong thực thi pháp luật, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục thách thức về bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số.
 
Chuyên gia Đan Mạch Henrik Schutze lưu ý, những xâm phạm bản quyền trên môi trường số đang diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó, có nhiều vụ việc còn khó phân định rằng có đúng là vi phạm quyền tác giả hay không. Ông Henrik Schutze lưu ý, một rào cản nan giải là các dịch vụ trung gian thường không chịu trách nhiệm pháp luật về bản quyền tác giả đối với các nội dung do họ đăng tải. “Chẳng hạn như YouTube, rất nhiều nội dung vi phạm bản quyền nhưng họ lại không chịu trách nhiệm việc đăng tải. Ở khía cạnh này, Việt Nam cần phải học tập kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu những dịch vụ trung gian phải chịu trách nhiệm về các nội dung truyền tải. Ở châu Âu hiện nay, đây cũng đang là lỗ hổng lớn mà nhiều chủ sở hữu quyền tác giả mong muốn có cơ hội đàm phán với các bên cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả trên nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, giữa các bên vẫn còn nhiều tranh cãi khá gay gắt...”, ông Henrik Schutze cho biết.
 
Ông Ahn Sung Seop (Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Ủy ban bản quyền Hàn Quốc) lại cho biết, tại Hàn Quốc, Luật Bản quyền đã ban hành từ năm 1957 và đến nay đã qua 24 lần sửa đổi. “Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh trong quản lý như tạm ngưng sáu tháng đối với tài khoản vi phạm sau ba lần khuyến cáo, nhắc nhở vi phạm. Viện Bảo hộ bản quyền tác giả của Hàn Quốc là cơ quan giám sát hoạt động, có chức năng phát hiện các vi phạm và kiến nghị biện pháp xử lý nếu như các tài khoản không tự tháo bỏ vi phạm”, chuyên gia Hàn Quốc cho biết.
 
Theo ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông), quá trình xử lý vi phạm trong lĩnh vực bản quyền tại Việt Nam hiện vẫn còn chậm và rườm rà, chủ yếu là giải quyết các vi phạm trong môi trường thật mà gần như không giải quyết được gì với vi phạm trong môi trường số. Ông phân tích: “Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện hoạt động quản lý bản quyền trên mạng Internet chủ yếu thực hiện biện pháp ngăn chặn mang tính kỹ thuật. Còn tại Việt Nam hiện nay không có quy định nào về việc chặn các IP vi phạm bản quyền. Hoạt động thu tên miền tuy có quy định nhưng cũng không hiệu quả. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng với sự gia tăng sử dụng Internet như Việt Nam hiện nay thì việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ bản quyền trên Internet vẫn đang là biện pháp cần được ưu tiên thực hiện ngay”.
 
Hiện tại, có thể tham khảo một số biện pháp đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới như: cắt dòng thu nhập từ ăn cắp bản quyền; loại bỏ chương trình, trang web ăn cắp bản quyền ra khỏi Internet; lập báo cáo và quy trình xử lý người có lỗi nhiều lần để xác định hiện trạng vi phạm của người sử dụng; chặn website ăn cắp từ nước ngoài…
 
Tẩy chay, nói không với các chương trình xâm phạm bản quyền được nhiều chuyên gia đề xuất như một giải pháp quan trọng để bảo vệ quyền tác giả nói chung và trên môi trường số nói riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà câu chuyện nhận thức của cộng đồng vẫn còn tồn tại quá nhiều vấn đề, việc thực thi pháp luật còn luẩn quẩn thì dường như khả năng hiện thực hóa giải pháp này vẫn chỉ đang tồn tại trong mong muốn mà thôi.
Thanh Mộc