Trong khoảng một thập kỷ qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Việt Nam tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hằng năm từ một tỷ USD trở lên, trong đó có sáu mặt hàng đạt kim ngạch hơn ba tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt hơn 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với 2017. Một trong những động lực chính cho sự tiến bộ vượt bậc ấy là nhờ công nghiệp chế biến tăng trưởng, phát triển mạnh. Tuy nhiên, liệu công nghiệp chế biến nông sản đã bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay hay không? Câu trả lời vẫn còn ngỏ...
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt nhiều kết quả to lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội.
Cụ thể, giai đoạn từ 2013 - 2018 công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (giai đoạn 2007 - 2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5 - 7%. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8 - 10%/năm trong hai năm qua.
Hiện Việt Nam đã bước đầu hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.
Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, thống kê từ 2018 đến nay có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động, triển khai trên cả nước với tổng vốn đầu tư 20 nghìn tỷ đồng. Điển hình như các doanh nghiệp Masan, Doveco, Dabaco, TH Group, Vinamilk, Minh Phú, Ba Huân, Nafood, Lenger Seafood, Angfish... hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ...
Mô hình sản xuất thanh long công nghệ cao tại Long An.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể công nghệ chế biến và chất lượng sản phẩm, trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam so với thế giới mới đạt mức độ trung bình đến trung bình khá, chỉ có một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như: chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, chế biến tôm và cá tra... Đặc biệt, doanh nghiệp chế biến ở Việt Nam đa phần nhỏ lẻ; 70 - 80% là chế biến thô, giá trị thấp; 83% trong khâu làm đất được cơ giới hóa; 50 - 60% cơ giới hóa khâu thu hoạch nhưng vẫn chưa đồng bộ.
Mới đây, bên lề Hội thảo “Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và Cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN và PTNT) nhấn mạnh, để phát triển ngành nông nghiệp chế biến thì doanh nghiệp là nhân tố quyết định. Tuy nhiên hiện nay, số lượng các cơ sở, doanh nghiệp chế biến ít, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn; sản phẩm phần lớn là sơ chế, dây chuyền công nghệ lạc hậu. Những nút thắt về đất đai, tín dụng hay nguồn nguyên liệu... là rào cản khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn triển khai các dự án về chế biến nông sản.
Đề cập về những khó khăn trong việc đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, Giám đốc điều hành Công ty TNHH La Fresh Đà Lạt Hồ Cao Huy Bảo cho biết, bài toán về vùng nguyên liệu là vấn đề lớn khiến công ty không dám mở rộng sản xuất. “Để có được một sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu doanh nghiệp đã phải trải qua nhiều lần “vỡ” hợp đồng vì nguyên liệu từ các hộ dân chuyển về không đủ, không đạt chuẩn”.
Cùng chung tâm tư khi đầu tư vào nông nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VietRAP Vũ Thị Vân Phượng chia sẻ: “Công ty đã đầu tư vào nông nghiệp được tám năm, sản phẩm xuất khẩu đi thị trường các nước, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng vẫn rất khó khăn. Đây là hạn chế khiến doanh nghiệp không lớn được”.
Từ thực trạng, lợi thế, khó khăn, thách thức, nhất là thách thức từ biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, để ngành chế biến nông sản tiếp tục phát triển nhanh, tương xứng với tiềm năng và đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản phải có đủ năng lực chế biến bảo đảm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, công nghệ chế biến đạt trình độ từ trung bình tiên tiến trở lên, thuộc nhóm ba nước dẫn đầu khu vực ASEAN, một số ngành hàng dẫn đầu thế giới. Các sản phẩm sau chế biến phải đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới các ngành chức năng cần tập trung vào một số nhóm giải pháp cơ bản: Trước hết, nghiên cứu và xác định rõ một số nhóm sản phẩm vừa là thế mạnh vừa đáp ứng nhu cầu thị trường để khuyến khích, tập trung đầu tư phát triển gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Đi liền với đó cần tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư mới và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nhất là về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường...
Ngành nông nghiệp hiện đề ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP của ngành nông nghiệp đạt hơn 30%. Tốc độ giá trị hàng hóa nông sản qua chế biến đạt 7 - 8%/năm. Hơn 50% số cơ sở chế biến mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tốc độ năng suất lao động đạt hơn 7%/năm. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 90 - 100%. Công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 4 - 5,5 HP/ha (hiện nay 2,2 HP/ha).