Cuối tháng 4, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ được đề cập nhiều hơn, đặc biệt là khi diễn ra các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23-4), Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26-4)
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức trở thành yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia, tài sản trí tuệ là nguồn lực quan trọng phục vụ mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, cách tiếp cận vấn đề bảo hộ quyền
sở hữu trí tuệ nói chung và bảo vệ
quyền tác giả nói riêng có sự khác so với trước. Chẳng hạn, như năm 2019 này, chủ đề của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới là “Vươn tới Giải vàng:
Sở hữu trí tuệ và thể thao” - điều không dễ hình dung nếu quay trở lại quãng thời gian cách nay khoảng hơn chục năm.
Xã hội hiện đại đặt ra yêu cầu cần phải có cách nhìn khác, sâu sắc hơn, về thứ tài sản vô hình được xác định dựa trên
thương hiệu, sáng chế,
nhãn hiệu, uy tín..., những điều chỉ có được dựa trên sự tuân thủ luật pháp và khả năng huy động sức sáng tạo của các cá nhân hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm cả thể thao.
Trong lĩnh vực văn hóa cũng vậy. Khi mà khái niệm “công nghiệp văn hóa” không còn xa lạ như trước kia và một bộ phim, một bản nhạc, chương trình nghệ thuật cũng có thể là đối tượng tranh chấp của các bên - cá nhân hoặc tập thể - với mục tiêu cuối cùng không chỉ là lợi nhuận, vấn đề quyền tác giả sẽ được quan tâm ở một tầm mức khác.
Tháng 3-2019, khi xảy ra vụ kiện liên quan đến tác quyền kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa, hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài, và “đứa em” mang tên Tinh hoa Bắc bộ, những người quan tâm đến phiên tòa này nhận ra rằng, điều quan trọng cuối cùng không hẳn là ai sẽ phải bồi thường cho ai, bồi thường bao nhiêu, mà là vấn đề xác định chủ sở hữu tác quyền thật sự.
Mở rộng vấn đề, ý hiểu trong trường hợp này là không thể khác: Tác phẩm nghệ thuật giờ không phải là thứ có thể “cho không”. Việc bảo vệ quyền tác giả là giải pháp duy nhất đúng để phát huy sức sáng tạo, tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo tiền đề phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngày 8-9-2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg. Cũng như nhiều ngành kinh tế khác, công nghiệp văn hóa tạo ra việc làm, sản phẩm, dịch vụ, đóng góp cho sự tăng trưởng nền kinh tế và góp phần nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của quốc gia. Quan điểm chung coi công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp trụ cột dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ, bản quyền trí tuệ và khả năng khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa, bởi vậy, trong sự phát triển của các ngành này, bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan là vấn đề mang ý nghĩa sống còn.
Khi tiếp cận vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật nói riêng với ý nghĩa coi đó là “tài sản vô hình” góp phần làm nên sức mạnh nội sinh của một quốc gia, tất yếu cần phải có sự đánh giá thực chất về thách thức mà chúng ta phải đối diện.
Thực tế cho thấy những hạn chế nhất định trong công tác bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan, thể hiện đặc biệt rõ qua những vụ tranh chấp bản quyền âm nhạc, mỹ thuật và phần nào đó là nhiếp ảnh, văn học (
sách điện tử). Rồi là sự hạn chế về nhận thức của nhiều tác giả trong việc đăng ký bảo hộ tác quyền, ý thức của cộng đồng về trách nhiệm chọn sử dụng tác phẩm, sản phẩm hợp pháp...
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam được thực hiện theo lộ trình, mục tiêu cụ thể được xác định theo khung thời gian. Chiến lược có được triển khai thực hiện thành công hay không, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều phần việc cụ thể mà một trong số đó là nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan.
Trong bối cảnh đó, với mỗi chương trình, hành động, sự kiện liên quan tới sở hữu trí tuệ, như Ngày sách và bản quyền thế giới, Ngày sách Việt Nam (21-4), Ngày sở hữu trí tuệ thế giới..., mục tiêu đặt ra với đơn vị tổ chức không còn là “hưởng ứng” đơn thuần, mà cần hướng tới mục tiêu hướng dẫn hành động, kêu gọi sự chung tay chăm lo bảo vệ tài sản trí tuệ quốc gia.