Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng đánh giá thực trạng việc kiểm nghiệm trên giấy tờ không mang lại hiệu quả. “Mẫu kiểm nghiệm do doanh nghiệp lấy có thể khác với mẫu vẫn đang nằm ở kho hàng ở hải quan. Việc kiểm tra chỉ trên giấy tờ, cảm quan mà không có xét nghiệm thì nên bỏ”, ông Dũng nói.
Giảm giấy phép con, giảm kiểm tra chuyên ngành không cần thiết
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế sáng 20/9, Bộ trưởng Dũng cho biết trong số 30 triệu ngày công và 14.300 tỉ mà doanh nghiệp phải tốn kém cho kiểm tra chuyên ngành thì riêng 5 nội dung kiểm tra chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thực phẩm. 3 Bộ ngành đã gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã làm tốn 28 triệu ngày công và 12.208 tỉ đồng của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc kiểm tra trên giấy tờ không mang lại hiệu quả.
Trong khi đó, có rất nhiều mặt hàng thuộc kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế. Quan điểm quản lý tốt, đảm bảo an thực phẩm, an toàn sức khỏe người dân nhưng cũng tạo điều kiện thông thoáng, tạo điều kiện kinh tế phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn của người dân và doanh nghiệp chống lợi ích nhóm, co kéo cục bộ.
Bộ trưởng Dũng cũng chỉ ra còn nhiều tồn tại trong kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế và các Bộ. Trong khi đó, Thủ tướng yêu cầu phải cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến doanh nghiệp, cắt gọn giấy phép con cũng như những kiểm tra chuyên ngành không cần thiết.
“Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm chúng ta nói rằng vì sức khỏe nhân dân. Nhưng dường như chúng ta “nói một đằng làm một nẻo”. Không kiểm tra mẫu sản phẩm mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp mang hồ sơ lên trụ sở Cục ATTP. Chúng tôi có đủ cơ sở để chứng minh”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
“Bên cạnh đó, mẫu mà doanh nghiệp đưa đi kiểm tra hoàn toàn có thể khác mẫu đang nằm ở kho của hải quan. Kiểm tra mà không có labo, không làm xét nghiệm, chỉ kiểm tra trên giấy tờ thì nên bỏ”, Bộ trưởng Dũng tiếp lời.
Theo Bộ trưởng Dũng, ông đưa ra đề xuất này, bởi thực tế việc phát hiện sai phạm từ kiểm tra trên giấy tờ là rất thấp, trong lĩnh vực y tế chỉ phát hiện 0,03%. “Kiểm tra trên hồ sơ bằng cảm quan, không có tiêu chuẩn, không công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục mặt hàng công bố rất nhiều, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Tiền thu 1 bộ hồ sơ là 1,05 triệu, nhân với 407 bộ tương đương 430 triệu thì có cần thiết không”, Bộ trưởng nói.Làm hồ sơ 100%, kiểm tra mà không có làm xét nghiệm, kiểm nghiệm thì nên cắt bỏ”, Bộ trưởng Dũng đề xuất.
Nảy sinh cấp phép dịch vụ 5 - 10 triệu đồng/bộ hồ sơ?
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, bản thân bà rất chia sẻ với doanh nghiệp. Bởi 1 ngày lưu ách kho, 1 tuần chờ giấy phép sẽ gây nhiều khó khăn về vốn liếng, hoạt động cho doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ trưởng những giấy phép, những thủ tục nào bỏ được là bỏ. Cái gì không bỏ được vì sức khỏe nhân dân thì phải giữ.
“Vì thế, tôi chỉ đạo phải tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp phép. Khi cần kí giấy phép, kể cả đến bữa ăn cũng dừng lại để kí cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Về báo cáo chung của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trương Quốc Cường báo cáo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét “Nếu báo cáo như Bộ Y tế thì tất cả tốt hết rồi, không có gì phải bàn cãi. Nhưng cái chúng tôi cần, ví như tới đây lĩnh vực ATTP cần giảm cái gì, chuyển hậu kiểm như thế nào, giảm ngày công để giảm chi phí ra sao.
Như ATTP chiếm 17,7% bộ hồ sơ muốn giảm thì giảm được bao nhiêu, chứ báo cáo chung chung, bao biện này chúng tôi không cần nghe. Nếu dựa theo báo cáo này, coi như bằng 0, chúng tôi không có gì để báo cáo Thủ tướng”, ông Dũng nói.
“Tôi đi thực tế, không nên nói quanh co, người thật việc thật. Nếu không làm được nói không làm được, để báo cáo Bộ Y tế việc này không làm được, vì liên quan đến sức khỏe con người cần kiểm tra 100% để Thủ tướng có quyết định cuối cùng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trước ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho rằng bản báo cáo là thẳng thắn, cầu thị, trên tinh thần Bộ Y tế đang làm quyết liệt.
Ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định sẽ giảm 90% hồ sơ phải kiểm tra khi doanh nghiệp đạt 3 lần/ năm.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết tới đây sẽ cắt giảm thủ tục theo hướng lấy mẫu sản phẩm thực phẩm kiểm tra 3 lần mà không phát hiện thì đến lần thứ 4 sẽ chỉ kiểm tra trên hồ sơ. Cách làm này giúp giảm hơn 90% hồ sơ phải kiểm tra. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng với tỉ lệ vi phạm chỉ 0,03% các mặt hàng kiểm tra do vậy yêu cầu giảm tiếp chỉ còn 1 lần kiểm tra tiền kiểm, dành thời gian để hậu kiểm.
Nêu ý kiến với đoàn công tác của Thủ tướng, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho rằng vấn đề cấp giấy chứng nhận của Bộ Y tế còn tồn tại nhiều vấn đề.
“Có doanh nghiệp gửi giấy chứng nhận cho Bộ y tế về sản phẩm hữu cơ nhưng BYT vẫn đòi kiểm tra kim loại nặng, rất vô lý. Doanh nghiệp nhập khẩu 2000 sản phẩm gia dụng, cũng 1 ly của hãng nổi tiếng, ly hôm nay có thêm chi tiết này, mai thêm chi tiết kia, mỗi sản phẩm có thêm thì lại thêm bộ hồ sơ, cái này tôi thấy vô lý.
Hay như một số công ty thực phẩm chức năng, bao gói phản ánh, có những sản phẩm là thương hiệu nổi tiếng lưu hành trên thế giới nhiều, về VN vẫn phải có chứng nhận hợp quy.
“Đăng ký qua internet trung bình mất 40-45 ngày, nhưng có khi không nhận được trả lời nên nhiều DN mất tiền làm qua dịch vụ, chỉ 5-10 ngày là xong, mỗi bộ 5-10 triệu đồng”, bà Minh nêu.
Bà kiến nghị tất cả thủ tục đăng kí qua mạng, trong bao nhiêu ngày không trả lời coi như là xác nhận. Nếu cần thiết, để các địa phương làm, cửa khẩu, không nhất thiết phải qua Bộ Y tế.
Bộ trưởng Tiến khẳng định sẽ tiếp thu, giảm bớt thủ tục, giảm bớt hồ sơ, giảm bớt mặt hàng, giảm chờ đợi và đảm bảo công khai minh bạch về thủ tục cấp phép, thời gian cấp phép, không làm khó, quanh co cho doanh nghiệp.
“Khi đã công khai minh bạch thủ tục theo từng bước, hẹn chính xác số ngày giải quyết sẽ tránh được tình trạng có những doanh nghiệp rất kém, hướng dẫn đi hướng dẫn lại không nắm được. Khi đã công khai quy trình hướng dẫn, quy định thời gian bao lâu không được sẽ phải làm lại từ đầu”, Bộ trưởng Tiến nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu trong quá trình hậu kiểm đơn vị kiểm nghiệm phải đi mua mẫu, chứ không để doanh nghiệp cung cấp mẫu.
Bà Tiến cũng cho rằng Bộ Y tế chịu sức ép khá lớn về vấn đề bảo vệ sức khỏe cho người dân và vấn đề thông thoáng trong thủ tục hành chính. Chúng ta bảo vệ doanh nghiệp nhưng cũng phải bảo vệ sức khỏe của người dân, tránh tình trạng công bố một đằng nhưng chất lượng một nẻo.