0908.326.779 - 0906.362.707
 

Mất 1.630 tỉ đồng/năm cho kiểm tra ATTP hàng nhập khẩu

13/09/2017    4.67/5 trong 6 lượt 
Mất 1.630 tỉ đồng/năm cho kiểm tra ATTP hàng nhập khẩu
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đề nghị Bộ Y tế bỏ quy định cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, bộ này vẫn muốn giữ lại quy định đối với một số nhóm mặt hàng mặc dù theo tính toán, chi phí các doanh nghiệp phải bỏ ra cho việc kiểm tra ATTP các lô hàng nhập khẩu lên đến 1.630 tỉ đồng/năm

Cuối tuần trước, tại cuộc đối thoại giữa đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các bộ ngành có liên quan về vấn đề duy nhất: có bỏ giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP, Chủ tịch VASEP Trương Đình Hòe đã nêu ra bất cập trong việc quản lý ATTP đối với các doanh nghiệp.

Theo ông Hòe, Luật ATTP đã quy định doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm đăng ký công bố hợp quy về ATTP mà không phải xin xác nhận của cơ quan nhà nước. Việc cấp xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP không làm thay đổi trách nhiệm của doanh nghiệp về ATTP đối với sản phẩm bán ra nhưng lại dễ bị lợi dụng biến thành cấp phép, xin - cho. Ông Hòe đề nghị thay bằng Bản đăng ký chất lượng thực phẩm.

Đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường lại cho rằng chưa sửa được vì còn “nhiều vấn đề này, vấn đề kia”, theo trích dẫn từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ. “Vấn đề này, kia” như giải thích bổ sung của Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong là nếu chỉ để doanh nghiệp tự công bố sản phẩm có thể gây nhầm lẫn cho người dùng, khó xử lý nếu có các loại phụ gia thực phẩm, các loại dược liệu bị cấm hay khuyến cáo không sử dụng, các chỉ tiêu an toàn về vi sinh vật, kim loại nặng vượt mức cho phép…

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự họp đưa ra hướng phân loại thực phẩm thành những loại chỉ cần công bố và những thực phẩm có nguy cơ cao thì buộc công bố hợp quy ATTP.

Chính đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng nhận xét hiện Bộ Y tế đang có các văn bản quản lý thay vì các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật đối với việc công nhận phù hợp ATTP. Hiện chỉ có 2% sản phẩm thực phẩm có quy chuẩn kỹ thuật. Vì vậy Bộ KH&CN đã giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Cục ATTP (Bộ Y tế) khẩn trương chuyển đổi các quy định thành quy chuẩn kỹ thuật.

“Những yêu cầu vô lý, tùy tiện, không có cơ sở khoa học đối với doanh nghiệp phải bỏ ngay”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ KH&CN cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và tiến hành thẩm định, công nhận các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật đã có đầy đủ (hiện chiếm khoảng 60-70% số quy định công nhận phù hợp ATTP) trong thời gian không quá 30 ngày.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cam kết với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ sửa các quy định về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Cách làm sẽ theo hướng: doanh nghiệp có văn bản công bố phù hợp với quy định ATTP gửi lên Cục ATTP theo hệ thống điện tử và sau 1 tuần cơ quan quản lý không có ý kiến thì  doanh nghiệp được triển khai thực hiện.

Như vậy, phần lớn các loại thực phẩm (trừ một số nhóm nguy cơ cao) sẽ không phải trải qua thủ tục xin xác nhận công bố của cơ quan nhà nước.

Một vấn đề khác được các doanh nghiệp nêu lên tại cuộc họp là tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành các lô hàng thực phẩm xuất nhập khẩu vẫn quá lớn, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.

Số liệu của Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Hải quan) cho thấy, năm 2016 có 163.000 lô hàng phải kiểm tra ATTP khi nhập khẩu. Với khảo sát của Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí cho việc này trung bình 6-10 triệu đồng/lô hàng thì tổng chi phí doanh nghiệp phải chịu từ 978 tỉ đồng đến 1.630 tỉ đồng/năm.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản việc kiểm tra chuyên ngành theo hướng xác suất và thường chiếm 1-3% số lô hàng, tuy nhiên nếu phát hiện vi phạm và có cảnh báo thì tỷ lệ tăng lên từ 30% hoặc 100%. Song ở Việt Nam tỷ lệ kiểm tra các lô hàng thực phẩm đang dao động 30-35% dù mục tiêu Nghị quyết 19 đặt ra là giảm xuống 15% nhưng các bộ triển khai rất chậm.

TBKTSG Online