0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bộ Y tế cần loại bỏ rào cản, giấy phép con để chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm

22/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Bộ Y tế cần loại bỏ rào cản, giấy phép con để chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm
Sáng 20-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế tháo gỡ ngay các vướng mắc về công tác xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước nhưng cũng cần tạo điều kiện thông thoáng, tháo gỡ khó khăn cho người dân, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt cần loại bỏ những rào cản, giấy phép con để chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa của Bộ Y tế quản lý nói riêng, các bộ nói chung vẫn còn nhiều bất cập. Công tác kiểm tra còn chồng chéo; có những hàng hóa đang bị điều chỉnh của nhiều văn bản, bị kiểm tra của nhiều bộ hoặc của nhiều cơ quan trong cùng một bộ.

Trước buổi làm việc này, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để lắng nghe những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp; trực tiếp kiểm tra thực tế việc thực hiện làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Hải Phòng…

Tại các buổi làm việc và kiểm tra thực tế thì vấn đề kiểm tra chuyên ngành được quan tâm nhiều nhất. Đáng chú ý, tỷ lệ kiểm tra lớn, thủ tục hồ sơ nhiều, nhưng tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, chỉ 0,06% số hồ sơ. Một trong những lý do tỷ lệ sai phạm thấp là do kiểm tra chủ yếu bằng thủ công, bằng cảm quan, không có quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Việc kiểm tra chuyên ngành đã kéo dài thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa. Thống kê cho thấy, riêng năm 2016, các doanh nghiệp phải tốn khoảng 28,8 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành.

Nếu giảm thời gian và tiền bạc cho kiểm tra chuyên ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đúng tinh thần mà Chính phủ đề ra là năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp phục vụ cho tăng trưởng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế cần giải quyết. Thứ nhất, về thực hiện Quyết định 2026 của Thủ tướng, Bộ đã thực hiện sáu nhiệm vụ được giao về sửa đổi các văn bản liên quan tới quản lý chuyên ngành, còn ba nhiệm vụ đang thực hiện. Do đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ còn lại, trong đó, sớm hoàn thành việc sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Đồng thực hiện các nhiệm vụ khác đã được nêu trong Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ.

Bộ Y tế còn chậm sửa đổi các văn bản liên quan tới ghi nhãn phụ, công bố hợp quy, công bố sự phù hợp của sản phẩm hàng hóa liên quan. Hiện danh mục hàng hóa bị kiểm tra còn chồng chéo, nhiều mặt hàng chịu sự quản lý của cả hai, ba bộ. Do vậy, Bộ Y tế cần đề xuất với Chính phủ giao một cơ quan chủ trì, các cơ quan khác phối hợp.

Bộ Y tế khắc phục ngay tình trạng danh mục hàng hóa đã ban hành nhưng chưa có mã HS hoặc chưa có danh mục.

Khắc phục ngay bất cập trong phương thức kiểm tra, đây là vấn đề doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng rất quan tâm nhất. Hiện nay, nói là đặt vấn đề an toàn sức khỏe, nhưng bộ nói một đằng làm một nẻo. Tại cảng kiểm tra mà không có sản phẩm, chỉ kiểm tra hồ sơ. Còn thực tế thì doanh nghiệp mang một sản phẩm khác đi kiểm tra.

Hiện nay, Bộ Y tế vẫn kiểm tra với 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu, bất kể là hàng tạm nhập tái xuất, hàng miễn thuế, hàng gia công sản xuất, xuất khẩu… Do vậy, Bộ Y tế cần xem xét việc công nhận lẫn nhau với các nước... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia của Bộ Y tế vẫn còn bất cập. Theo kế hoạch đến năm 2021, Bộ Y tế phải thực hiện 55 thủ tục hành chính, nhưng đến nay mới thực hiện được năm thủ tục.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Bộ Y tế ban hành văn bản hành chính không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, sau nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất muối phải bổ sung i-ốt. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế lại thừa lệnh Bộ trưởng ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận. Do vậy, Tổ trưởng tổ kiểm tra đã yêu cầu Bộ Y tế có văn bản bãi bỏ ngay văn bản đã kỹ nêu trên.

Tiếp thu ý kiến của Tổ công tác của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ Y tế sẽ tập trung rà soát, những thủ tục, giấy phép nào có thể bỏ thì sẽ bỏ ngay. Tinh thần là giảm bớt các thủ tục hành chính, gảm bớt mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, giảm bớt thời gian làm thủ tục hành chính… và công khai minh bạch trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng cho rằng, các nước cũng đang siết chặt kiểm tra đối với mặt hàng thực phẩm. Trong khi đó, vấn đề an toàn thực phẩm ở nước ta vẫn rất nhức nhối, cho nên bên cạnh tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải quản lý chặt. “Những thủ tục, giấy phép nào thực sự cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người dân thì sẽ tiếp tục bàn thảo nhằm hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và bảo đảm sức khỏe người dân” - Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Trao đổi tại buổi làm việc, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, tới đây sẽ cắt giảm thủ tục tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, như chia nhóm thực phẩm để quản lý; phân cấp về các địa phương trong việc tiếp nhận, công bố hồ sơ chất lượng thực phẩm; lấy mẫu sản phẩm thực phẩm kiểm tra ba lần mà không phát hiện thì đến lần thứ tư sẽ chỉ kiểm tra trên hồ sơ... Cách làm này giúp giảm hơn 90% hồ sơ phải kiểm tra

MINH HOÀNG