0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quan tâm giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp

03/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Quan tâm giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp (DN) trong tỉnh cho rằng, còn vướng mắc trong khâu thủ tục hành chính, thu thuế…, đặc biệt là việc bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong năm. Vì thế, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hứa sẽ quan tâm, giải quyết các vướng mắc này trong thời gian tới.

Kiến nghị giảm thanh tra


Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề để lắng nghe ý kiến, tiếp thu các vướng mắc của DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Tại buổi tiếp xúc, ông Hồ Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Á Châu cho biết, Nghị định 35 của Chính phủ quy định mỗi năm chỉ có một đoàn thanh tra, kiểm tra đến DN, nhưng từ đầu năm đến nay đơn vị của ông đã tiếp 2 đoàn thanh tra, kiểm tra; trong đó có một đoàn của ngành tài nguyên - môi trường, một đoàn của ngành công an.

 

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở Kế hoạch - Đầu tư
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở Kế hoạch - Đầu tư

 

Ông Vũ Tiến Lộc: Ngoài những cuộc gặp chính thức thì lãnh đạo tỉnh nên có những cuộc gặp bên lề, nhẹ nhàng, trao đổi thẳng thắn, giải quyết ngay các vướng mắc, không để dồn nén, kéo dài. Ví dụ, ở Cần Thơ đang triển khai mô hình “Cà phê doanh nhân”, tôi thấy khá hợp lý và hiệu quả. Mỗi tuần một hoặc hai lần, lãnh đạo tỉnh đến quán cà phê đó ăn sáng, uống cà phê và lắng nghe doanh nhân giải bày, sẽ rất hữu ích.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ DN do VCCI tại Khánh Hòa tổ chức, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang phản ánh, năm 2016, DN phải tiếp đến 3 đoàn thanh tra, kiểm tra trong vòng hơn 1 tháng. Cụ thể, ngày 19-9-2016, đoàn thanh tra liên ngành do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm làm trưởng đoàn; ngày 20-10-2016, đoàn thanh tra liên ngành do Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Nha Trang làm trưởng đoàn; ngày 21-10-2016 phải tiếp đoàn Thanh tra của Sở Tài nguyên - Môi trường. “Các đoàn chủ yếu thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở chế biến nước mắm. Tôi thấy có 5 nội dung các đoàn trùng lặp nhau, gồm: kiểm tra giấy đăng ký kinh doanh; kiểm tra đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; hồ sơ khám sức khỏe; hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm; lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nên chăng có sự phối hợp, thống nhất, giảm số lần thanh tra, kiểm tra để tiết kiệm chi phí cho DN cũng như Nhà nước”, ông Diệp ý kiến.


Ông Chu Văn Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cường cho rằng, việc tính phí bảo vệ môi trường lĩnh vực khai thác đá tại công ty ông là “phí chồng phí”. Gần 2 năm nay, ông Tùng phản ánh bấp cập và đề nghị được giảm sản lượng khai thác đá, có thông báo giá cụ thể từng loại đá nhưng vẫn chưa được giải quyết. Theo ông Tùng, việc giải quyết thủ tục hành chính cũng bất cập khi UBND tỉnh xếp lịch gặp doanh nghiệp rồi hủy lịch vào phút cuối.


Gửi kiến nghị cho Chủ tịch VCCI


Đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 16.000 DN, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, hoạt động phần lớn ở lĩnh vực dịch vụ. Thời gian qua, các DN đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bằng chứng là tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2016 trên 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề quản trị, chất lượng lao động của các DN còn nhiều bất cập. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc đối thoại với DN nhằm lắng nghe, ghi nhận và giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoạt động. Các cuộc đối thoại chuyên đề đã được tổ chức như: tiếp cận vốn vay ngân hàng, thủ tục hành chính, ưu đãi thuê đất…

 

Ông Lê Bền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín: Tôi liên tục bị những cuộc điện thoại gọi tới mời đóng tiền để được nhận danh hiệu. Nếu công ty đồng ý thì gửi hồ sơ theo địa chỉ rồi kèm theo là “hợp đồng tư vấn truyền thông”. Họ bảo đóng 20 triệu đồng là sẽ có danh hiệu. Chúng tôi từ chối thì bị đe doạ “công ty anh có vấn đề gì mà không nhận danh hiệu?”. Danh hiệu đối với DN là rất quý, vừa thể hiện chất lượng được ghi nhận, vừa giúp công tác quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, danh hiệu mà gọi điện năn nỉ, đe dọa thế này thì quá “rẻ”. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần quản lý chặt việc mua bán danh hiệu tràn lan như hiện nay.

Theo ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, sau hội nghị đối thoại DN diễn ra vào tháng 6-2016, các sở, ngành đã giải quyết xong những kiến nghị của 18 DN, trong đó có 2 DN chưa hài lòng về cách giải quyết, 8 DN cho rằng cách xử lý chưa triệt để. Đến tháng 11-2016, tỉnh tiếp tục tổ chức đối thoại nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được giải quyết triệt để.


“Có những vấn đề tỉnh giải quyết ngay được, có những vấn đề thuộc về cơ chế nên phải từ từ giải quyết. Một số ý kiến phản ánh những bất cập về thu thuế khai thác thì nằm ngoài thẩm quyền của tỉnh, nên tỉnh sẽ làm văn bản xin ý kiến Trung ương. Các vấn đề về thủ tục hành chính, thủ tục đất đai, vốn vay ưu đãi… tỉnh đã chỉ đạo giải quyết để tạo điều kiện tối đa cho DN. Việc thanh tra nhiều lần trong năm, tỉnh sẽ chỉ đạo để hạn chế tối đa, tránh làm phiền DN, nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định về quản lý nhà nước”, đồng chí Trần Sơn Hải cho biết.


Tại buổi tiếp xúc với các DN trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã đề nghị các DN có bất cập, cần giải quyết thì gửi văn bản trực tiếp cho ông, để ông chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ, đồng thời giám sát tiến độ giải quyết đó. “Hiện nay, vấn đề giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ phận một cửa đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn bất cập, gây khó khăn cho DN. Tôi nghĩ chúng ta nên có một thiết bị đặt ở bộ phận một cửa. Thiết bị này có 3 nút, ở 3 mức: rất hài lòng, hài lòng, không hài lòng. Các DN đến giải quyết thủ tục sẽ ấn vào nút mà họ cảm nhận thấy, rồi máy sẽ tự động lưu lại và báo về lãnh đạo”, ông Lộc cho hay

VĂN KỲ