0908.326.779 - 0906.362.707
 

Giao lưu trực tuyến 2

20/09/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Giao lưu trực tuyến 2
Đúng 14h ngày 19/9, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có mặt tại tòa soạn báo Dân trí, trả lời các vấn đề bạn đọc đang quan tâm liên quan đến thực phẩm chức năng
  • Để sản xuất thực phẩm chức năng, co sơ cần có GMP. Như vậy rất khó, vậy tôi muốn chuyển sản phẩm của mình từ thực phẩm chức năng sang thực phẩm bổ sung được không?
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.
    Bộ Y tế đăng đàn trả lời trực tuyến về quản lý thực phẩm chức năng - 1

    Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì bắt buộc cơ sở sản xuất phải đạt GMP, còn các sản phẩm khác như thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường thì không nhất thiết phải có GMP nhưng phải đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm

    Sự khác biệt ở đây là thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường thì không được phép ghi công dụng, doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Một số hoạt chất cũng không được phép sử dụng trong thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường như probiotic. 

  • Xin ông cho biết thực phẩm chức năng là gì? khác thuốc như thế nào?
     
    PGS. Nguyễn Thanh Phong
    Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
    Bộ Y tế đăng đàn trả lời trực tuyến về quản lý thực phẩm chức năng - 1

    Thực phẩm chức năng là những sản phẩm hỗ trợ chức năng, các bộ phận cơ thể của con người có thể có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng vật và các hoạt chất sinh học khác có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh.

    Thực phẩm chức năng là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc. Thực phẩm chức năng bắt đầu phát triển ở Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỉ trước. Sau đó phát triển sang những nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Canada…

    Thực phẩm chức năng vào Việt Nam bắt đầu từ khoảng năm 2000, lúc đầu chủ yếu là một số sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta có lợi thế rất lớn, đó là kinh nghiệm sử dụng thuốc đông y, sử dụng dược liệu để hỗ trợ điều trị hoặc nâng cao sức đề kháng. Chúng ta có nguồn dược liệu phong phù làm nguyên liệu để sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

    Ông cha ta có rất nhiều kinh nghiệm dùng các cây, con để nâng cao sức khoẻ, hỗ trợ điều trị bệnh.

    Ngày nay, cùng với nền y học cổ truyền và y học hiện đại, nhiều kỹ thuật tách chiết, chưng cất để lấy những tinh chất của nguyên liệu đã được áp dụng. Từ đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư những nhà máy hiện đại để cho ra đời những sản phẩm thực phẩm chức năng chất lượng cao, công dụng tốt, nhiều doanh nghiệp đã có những sản phẩm sản xuất trong nước xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

    Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, thực phẩm chức năng là sản phẩm mới không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Là sản phẩm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận nên cố tình đưa ra thị trường những sản phẩm không như đăng kí với cơ quan quản lý, quảng cáo sai sự thật… dẫn đến tình trạng người tiêu dùng hoài nghi về công dựng thực phẩm chức năng.

    Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15, theo đó tất cả cơ sở sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu đều phải sản xuất ở nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP. Đây là quy định rất chặt chẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm từ ngay nhà máy. Đồng thời, cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để dần quản lý chặt chẽ hơn nội dung quảng cáo, tiến tới ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật, hỗ trợ cho thị trường thực phẩm chức năng phát triển đúng hướng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

  • Tất cả các sản phẩm TPCN nhập khẩu đã được cấp phép lưu hành tại việt nam thì được kiểm phẩm ban đầu hay kiểm phẩm từng lô hàng?
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

    Theo thủ tục ban hành mới thì không có quy định về tiền kiểm mà chỉ còn hậu kiểm để đảm bảo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan. 

  • Xin hỏi ông Hoàng, thực phẩm chức năng có công dụng gì? Nó có giống với các thuốc vitamin thông thường và người dân có thể tự mua sử dụng theo nhu cầu?
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

    TPCN có tác dụng hỗ trợ, làm giảm các triệu chứng của bệnh, tăng cường các chức năng của một bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể hoặc phòng ngừa bệnh tật. 

    Trước đây khi chưa có TPCN, thì các loại vitamin đều quản lý như là thuốc nên phải dùng đúng liều lượng và theo chỉ định, đúng quy định của luật Dược. Tuy nhiên khi có TPCN thì các nhà sản xuất đều chuyển đổi các vitamin trước đây sang TPCN bởi không bị ràng buộc về quy định về liều lượng, sản phẩm lại an toàn và người tiêu dùng chỉ cần sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất là được. Tuy nhiên các sản phẩm TPCN phải đạt ngưỡng quy định về mức sử dụng hàng ngày về vitamin, khoáng chất (RNI) của Viện dinh dưỡng.

  • Cho tôi hỏi tiêu chuẩn GMP là gì? Có phải với những sản phẩm gắn nhãn GMP người tiêu dùng có thể hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng mà không lo hàng giả, hàng nhái, hàng quảng cáo quá công dụng hay không?
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.
    Bộ Y tế đăng đàn trả lời trực tuyến về quản lý thực phẩm chức năng - 1

    GMP là một tiêu chuẩn để quy định các quy trình chuẩn trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu cho thiết bị, các điều kiện, vấn đề quy trình, nhân sự, kiểm nghiệm và kiểm soát toàn bộ quá trình. Nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm này đã được đảm bảo về mặt chất lượng. 

    Sản phẩm này phải được công bố tại cơ quan quản lý nhà nước (Cục an toàn Thực phẩm). Trong trường hợp doanh nghiệp tự công bố thì phải thực hiện theo đúng quy định. 

    CMP chỉ là tiêu chuẩn chất lượng của nhà máy không nói lên được hàng giả, hàng nhái, hàng quảng cáo quá công dụng. Vấn đề hàng giả, hàng nhái thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường; còn quảng cáo quá công dụng thì thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông. 

  • Xin hỏi: Cao dây thìa canh là thực phẩm chức năng do Việt Nam sản xuất có công dụng gì với bệnh tiểu đường? Bởi vì tôi đọc trên mạng thấy giới thiệu hoành tráng lắm. Xin trân trọng cảm ơn!
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

    Cây dây thìa canh là một trong những dược liệu có tác dụng hỗ trợ giảm đường huyết và sử dụng tốt trong bệnh tiểu đường. Tuy nhiên không thay thế được thuốc nên các quảng cáo hoành tráng đều không có căn cứ. 

  • Sâm alipas platinum có thực sự hỗ trợ tăng cường testotterrone cho nam giới bị thiếu hụt và sinh sản. Xin cảm ơn chương trình
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

    Theo công bố của nhà sản xuất thì Sâm alipas có tác dụng hỗ trợ tăng cường sản sinh testotterrone và do đó có tác dụng hỗ trợ trong các trường hợp yếu sinh lý do suy giảm hóc môn sinh dục. Nhưng đây không phải là sản phẩm kích thích, chỉ là sản phẩm hỗ trợ. 

  • Xin cho hỏi các quy định xử lý hành vi quảng cáo "nổ" về công dụng sản phẩm. Tôi đề xuất xử lý vi phạm vì với những kiểu phạt tiền này, người tiêu dùng "được vạ thì má đã sưng", bỏ qua giai đoạn vàng điều trị vì tin theo quảng cáo.
     
    PGS. Nguyễn Thanh Phong
    Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

    Tôi rất chia sẻ và thông cảm với bức xúc của bạn, thậm chí ngay chính người thân của tôi ở quê cũng đã từng bị những quảng cáo "nổ" công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh. 

    Tuy nhiên, theo quy định pháp luật vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật xử phạt vi phạm hành chính. Vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành đã trình chính phủ ban hành Nghị định số 115 NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm thay cho Nghị định 178 trước đây. Theo đó, mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều. Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

  • Dùng thực phẩm chức năng có khỏi bệnh được không, có cần phải dùng thuốc nữa không?
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

    Dùng TPCN không thay thế được thuốc. Thuốc được chỉ định của bác sĩ, phải sử dụng đúng liều, đúng phác đồ, đúng liều lượng. Còn TPCN chỉ nhằm giảm tác dụng của thuốc, nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng để hỗ trợ trong việc điều trị bệnh. 

    Còn trong trường hợp phòng ngừa thì nên sử dụng TPCN với liều lượng nhỏ và duy trì lâu dài để ngăn ngừa bệnh tật và phòng tránh một số bệnh. Đặc biệt là các bệnh mãn tính không lây thì nên sử dụng thường xuyên hỗ trợ trong quá trình điều trị. 

    Do chế độ ăn của từng cá nhân không thủ hoạt chất, đặc biệt là các hoạt chất vi lượng, hoạt chất sinh học nên có thể dùng thực phẩm bổ sung để bổ sung các khoáng chất, vitamin thiếu. 

  • Xin hỏi ông Phong, thời gian qua tôi đọc được bài viết trên Dân trí phản ánh việc công ty có sản phẩm chối những quảng cáo trên mạng xã hội là do họ thực hiện. Là cơ quan quản lý, các ông sẽ xử lý tình trạng này như thế nào? Có đơn vị nào được tìm ra, xử phạt sau khi "chối đây đẩy" những nội dung quảng cáo này?
     
    PGS. Nguyễn Thanh Phong
    Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

    Cảm ơn câu hỏi của bạn. Thực tế, khi xử lý vi phạm về quảng cáo, chúng tôi mời công ty có sản phẩm hiện đang vi phạm quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thực tế cũng có trường hợp doanh nghiệp đó không đứng ra quảng cáo, mà những người làm đại lý của họ đứng ra để làm thủ tục quảng cáo.

    Chính vì vậy, nếu xử lý doanh nghiệp thì không đúng với đối tượng vi phạm. Lúc đó, chúng tôi phải công bố trên trang website của Cục An toàn thực phẩm về tên sản phẩm đang vi phạm, địa chỉ trang website đang vi phạm, nội dung vi phạm. Đồng thời thông báo nội dung này sang Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng khác để cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm đang quảng cáo tại trang website đó.

    Đồng thời, chúng tôi có văn bản gửi Bộ Thông tin Truyền thông là đơn vị quản lý các trang website điện tử, thông báo rõ địa chỉ vi phạm, nội dung vi phạm để xử lý theo thẩm quyền.

    Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông đã buộc phải tháo gỡ, và bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

    Tuy nhiên, cũng có những trang website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay trên Facebook, chúng tôi đã có hai buổi làm việc với đại diện Facebook cùng với Bộ Thông tin - Truyền thông.

    Hiện tại, phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm.

  • Xin ông cho hỏi Thực phẩm chức năng trong nước và nhập khẩu thì loại nào dùng tốt hơn?
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

    Câu hỏi này rất khó để có câu trả lời. Không có tiêu chí để đánh giá TPCN trong nước và nước ngoài loại nào tốt hơn. Tâm lý của người tiêu dùng thường hướng ngoại nên đã số cảm giác dùng hàng nhập khẩu tốt hơn. 

    Hầu hết TPCN của nước ngoài là đơn chất như các hoạt chất sinh học như glucosamin, chondritin hoặc các hỗn hợp vitamin... rất ít thực phẩm chức năng từ các nguyên liệu thảo dược. Chủ yếu TPCN ngoại nhập là thực phẩm bổ sung (Diatry suplement) còn các TPCN Việt Nam phần lớn đi vào hỗ trợ điều trị hoặc giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Vì thế loại nào tốt hơn là do lựa chọn của người tiêu dùng. 

  • Để được cấp GMP chúng tôi phải đăng kí ở đâu, quy định như thế nào? Sản phẩm đạt GMP có cần tiến hành kiểm tra hậu kiểm nữa hay không?
     
    PGS. Nguyễn Thanh Phong
    Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

    Để được cấp giấy chứng nhận ATTP đạt tiêu chuẩn GMP đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ về Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). 

    Hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng dẫn tại Nghị định số 15/2018 NĐCP và Thông tư 18 (30/8/2019).

    Việc cấp chứng nhận ATTP đạt tiêu chuẩn GMP là đảm bảo quy trình sản xuất ra sản phẩm đó an toàn từ nhà máy. Tuy nhiên, việc bảo đảm sản phẩm đó an toàn trong suốt thời hạn sử dụng còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố như vận chuyển, bảo quản, lưu thông, lưu kho... Do vậy, việc hậu kiểm đối với các sản phẩm là rất quan trọng và cần thiết đối với tất cả các sản phẩm thực phẩm để bảo đảm sản phẩm đó an toàn cho người sử dụng.

  • Tôi biết rõ những công năng của TPCN, cũng muốn mua cho gia đình sử dụng nhưng sợ không dám mua vì TPCN ở VN thật giả lẫn lộn. Xin hỏi cơ quan quản lý làm sao để người tiêu dùng chúng tôi tìm được sản phẩm uy tín, tin cậy?
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

    Trước khi mua sản phẩm TPCN thì bạn nên tìm hiểu thông tin trên các cơ quan chính thống (Bộ y tế, Cục An toàn thực phẩm), xem thương hiệu sản phẩm đó của công ty nào có uy tín trên thị trường hay không, nhà sản xuất có đạt tiêu chuẩn GMP không. Sau đó hỏi thông tin từ các bác sĩ, dược sĩ hoặc tìm hiểu thông tin từ những người đã từng sử dụng tương tự như mình... Sau khi kiểm chứng thì bạn mới tiến hành mua. 

    Bạn không nên mua quá nhiều và dùng thử xem có phù hợp với cơ địa của mình hay không, có bị dị ứng hay không,.. khi thấy thích hợp thì bạn mới mua nhiều. Trong quá trình sử dụng thì bạn cũng nên liên hệ với nhà sản xuất để cập nhật tình trạng của mình để nhà sản xuất có thể tư vấn liều dùng phù hợp. 

  • TPCN có thể dùng trong thời gian dài được không?
     
    Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

    Thực phẩm chức năng đầu tiên là phải đạt an toàn, các yếu tố an toàn về sức khỏe như tiêu chuẩn vi sinh gây bệnh, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

    Hầu hết TPCN có hoạt chất đều từ thiên nhiên như dược liệu, khoảng chất, vitamin hoặc các hoạt chất sinh học enzin, protein, probioti. Do đó TPCN có thể dùng trong thời gian dài theo khuyến cáo và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. 

  • Nếu phát hiện có người làm giả sản phẩm của chúng tôi thì chúng tôi cần báo cho cơ quan nào để bảo vệ sản phẩm và thương hiệu của mình?
     
    PGS. Nguyễn Thanh Phong
    Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

    Khi phát hiện ra sản phẩm của mình bị làm giả thì bạn báo ngay cho các cơ quan chức năng sau đây:

    Thanh tra y tế

    Thanh tra An toàn thực phẩm

    Quản lý Thị trường

    Công an kinh tế

    Cục An toàn thực phẩm/Chi cục An toàn thực phẩm.

    Và rất nhiều các cơ quan được giao chức năng xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

  • Tôi muốn mở cửa hàng bán TPCN thì có cần đăng kí không? Nếu phải đăng kí thì ở đâu, thưa ông?
     
    PGS. Nguyễn Thanh Phong
    Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

    Thứ nhất, kinh doanh thực phẩm chức năng là loại hình kinh doanh có điều kiện. Ở đây là điều kiện đảm bảo ATTP. Trước đây các cơ sở này phải cấp chứng nhận ATTP về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người. Hiện nay theo nghị định số 15 ngày 2/2/2018 của Chính Phủ thì các cơ sở kinh doanh không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận ATTP. Nhưng điều đó không có nghĩa là các cơ sở này không phải chấp hành các quy định về ATTP.

    Ví dụ vẫn phải chấp hành quy định về kho bảo quản, nơi bày bán, các điều kiện về ATTP khác, chỉ không phải thực hiện thủ tục hành chính để cấp giấy chứng nhận ATTP mà thôi.

Dân Trí