0908.326.779 - 0906.362.707
 

Chống hàng giả: Còn nhiều kẽ hở?

28/04/2020    4.6/5 trong 5 lượt 
Chống hàng giả: Còn nhiều kẽ hở?
Nhiều năm trở lại đây, công tác chống hàng giả đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều kẽ hở nên hàng trôi nổi vẫn nhởn nhơ có mặt trên thị trường…
Thời gian vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn… trước đây chưa bao giờ làm được. Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện sự chuyển biến lớn trong công tác phòng chống hàng giả nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều kẽ hở đáng quan tâm như: minh bạch nhãn mác; kiểm soát các điểm, làng nghề sản xuất hàng hóa tại các địa phương;…
 
Thời gian vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường đã tạo ra nhiều chuyển biến trong công tác chống hàng giả
 
Nhiều chiến tích điển hình
 
Theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2019, cơ quan này đã phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng. Trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018), giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT cũng đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Nổi bật như: 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TPHCM; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam"; vụ việc kiểm tra, xử lý 3.108 chai rượu nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình; vụ việc 2 xe container chứa hàng tấn thực phẩm đông lạnh gồm lưỡi vịt, trứng non, nầm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng cục QLTT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hoạt động buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt. Qua đó, đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn.
 
Một số vụ việc điển hình như: vụ việc kiểm tra 18 kho hàng tại Quận 6, TPHCM phát hiện lượng lớn hàng hóa giả nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như: Dior, Chanel, Louis Vuitton, Gucci và hàng trăm nghìn nhãn mác, bao bì của những thương hiệu nổi tiếng này tại Hà Nội.
 
Tuy nhiên, công tác chống hàng giả vẫn còn chưa cho thấy tương xứng với thực trạng hiện nay
 
Nhưng thực tế có còn nhiều… kẽ hở?
 
Những chiến tích của lực lượng QLTT trong năm 2019 là không thể phủ nhận, tuy nhiên, trước thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay thì những thống kê trên vẫn chưa tương xứng.
 
Tự đánh giá tại buổi tổng kết công tác 2019, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết: Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi và quy mô ngày càng lớn.
 
Thực tế hiện nay, bản thân các doanh nghiệp có hàng trên thị trường cũng chưa chủ động trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái khi chưa đẩy mạnh các công tác truyền thông về nhận dạng thương hiệu, hay còn tâm lý e dè, né tránh khi nhắc đến việc có sản phẩm bị làm giả, làm nhái.
 
Không chỉ có vậy, hiện nay công tác quản lý hàng giả còn nhiều bất cập chưa được hoàn thiện trong công tác quản lý nhãn mác, hiện trạng này thường xuyên xảy đến với các doanh nghiệp sản xuất đồ uống, khi hoạt động sản xuất kinh doanh được mở rộng ra nhiều cơ sở liên kết nhưng vẫn đánh đồng chung trong một nhãn mác tại một địa chỉ duy nhất mà không có sự phân định rõ ràng, sản phẩm này được sản xuất tại đúng địa điểm liên kết của mình.
 
Một trong những điểm mà không thể bỏ qua trong công tác phòng chống hàng giả là những điểm công nghiệp, làng nghề sản xuất hàng hóa… Đặc biệt là những địa phương luôn được phản ánh với danh xưng “vua hàng giả” như: Cụm công nghiệp La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội; Diễn Vạn – Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An; Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc;…
 
Có một thực tế trong công tác phòng chống hàng giả phải được nhìn một cách khách quan là đa số trong vụ việc bị triệt phá hầu hết chỉ diễn ra trên đường vận chuyển đi tiêu thụ, hoặc đang tiêu thụ trên thị trường, rất ít vụ được thực hiện tại các cơ sở sản xuất. Vậy, kẽ hở ở đây là gì? Phải chăng chúng ta chỉ đang mới cắt được phần ngọn còn lại phần gốc vẫn đang để tồn tại?   
 
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm và triển khai nhiệm vụ mới, Phó Thủ tướng Thường trực, Trương Hòa Bình cũng đã ghi nhận và đánh giá: Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Các vụ việc phát hiện, xử lý chủ yếu là các vụ việc nhỏ, hầu hết việc xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, bày bán… Tình trạng nhập lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng có chiều hướng gia tăng. Những sơ hở, bất cập trong chính sách xuất nhập khẩu vẫn chưa khắc phục triệt để nên các đối tượng vẫn lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm với số lượng lớn.
 
Việc chống hàng giả không chỉ là nhiệm vụ của một số cơ quan quản lý Nhà nước hay một số lực lượng chức năng mà còn phải là sự chung tay của các doanh nghiệp trước thực trạng hàng hóa của mình đang bị xâm hại. Nếu không có sự thống nhất, đồng bộ này, liệu có còn nhiều kẽ hở?