0908.326.779 - 0906.362.707
 

Các điểm nổi bật trong công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản từ khi ban hành Nghị quyết của Quốc hội

28/10/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Các điểm nổi bật trong công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản từ khi ban hành Nghị quyết của Quốc hội
Xác định công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu Ngành nông nghiệp, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017, từ cuối năm 2017 đến nay Bộ Nông nghiệp&PTNT đã có những giải pháp mạnh mẽ chỉ đạo công tác quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản.

Các chính sách, pháp luật được rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện theo hướng cải cách hành chính, hài hòa với chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Từ 2017 đến nay đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua  03 luật (Luật Thủy sản sửa đổi, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; trình Chính phủ ban hành 15 Nghị định, 01 Chỉ thị, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, rà soát sửa đổi, ban hành 37 Thông tư về quản lý chất lượng, ATTP; Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 05 Nghị định (số lượng văn bản chính sách pháp luật  tăng hơn hẳn so với năm 2016 (03 Nghị định, 01 Đề án và 12 Thông tư)) (chi tiết tại Phụ lục gửi kèm); đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 255/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 73,9%); đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 36/83 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó dự kiến bãi bỏ 12 TTHC; đã rà soát đưa ra khỏi danh mục 1.706 tên thương phẩm thuốc BVTV và toàn bộ thuốc BVTV chứa hoạt chất Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc Phosphide, Carbendazim, Thiophanate-methyl, Benomyl, 2.4D, Paraquat, Trichlorfon, Carbofuran Chlorpyrifos, Fipronil, Glyphosate…, 1.437 sản phẩm thuốc thú y, 3.621 sản phẩm phân bón kém chất lượng, không an toàn ra khỏi Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

 cac diem noi bat trong cong tac quan ly chat luong, attp nong lam thuy san tu khi ban hanh nghi quyet cua quoc hoi hinh anh 1

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra một cơ sở chế biến rau ở Hà Nam để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Ảnh: Dantocmiennui.vn.

Việc xây dựng các Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn Việt Nam được quan tâm bố trí nguồn lực và đẩy mạnh, lũy kế đến nay đã có 759 tiêu chuẩn và 212 quy chuẩn về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm,tăng tương ứng 96% và 247% so với số lượng Tiêu chuẩn, Quy chuẩn lũy kế đến cuối năm 2016 (388 tiêu chuẩn và 61 quy chuẩn kỹ thuật).

Có nhiều mô hình sản xuất an toàn, chuỗi sản xuất nông lâm thủy sản an toàn được phát triển và nhân rộng.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, thay đổi nhận thức của người dân khi lựa chọn sản phẩm an toàn trong các chuỗi cung ứng:

Các tỉnh đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông sản, thủy sản  theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến nay cả nước đã có 1.950 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP và tương đương với diện tích 38,6 nghìn ha cây trồng (tăng gấp đôi diện tích giai đoạn 2016 (1.380 cơ sở/16,9 nghìn ha)); 11.521 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tăng 1,6 lần giai đoạn 2016 (6.869 trang trại và hộ chăn nuôi)); 624 vùng/cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 5.174 ha (tăng gấp ba diện tích giai đoạn 2016 (201 giấy chứng nhận với diện tích 1.553 ha)); cả nước đã công nhận được 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 08 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 06 tỉnh [1]thẩm định, xét công nhận cho 374 sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đã có 4.458 xã (50%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng thêm 620 xã so với năm 2018, trong đó 100% các xã nông thôn mới đều đạt tiêu chí “Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Các tỉnh cũng đã phát triển mạnh chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn: tính đến nay cả nước đã có 1478 chuỗi (tăng gấp 3,5 lần số chuỗi năm 2016 (414 chuỗi), 1462 sản phẩm (tăng gấp 10 lần sản phẩm năm 2016 (146 sản phẩm) và 3267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi (tăng gấp 4,4 lần địa điểm bán năm 2016 (730 địa điểm)). Số lượng sản phẩm nông sản an toàn, số lượng địa điểm bán sản phẩm nông sản có chứng nhận tăng mạnh trên toàn quốc đã tạo điều kiện cho người dân có nhiều sự lựa chọn sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ so với trước năm 2017.

 cac diem noi bat trong cong tac quan ly chat luong, attp nong lam thuy san tu khi ban hanh nghi quyet cua quoc hoi hinh anh 2

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thăm vùng sản xuất nông nghiệp bằng nhà kính ở Hà Nam. Ảnh: Dantocmiennui.vn.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả thông qua việc đổi mới phương thức tổ chức thực hiện.

Công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện theo hướng từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề dựa trên đánh giá rủi ro và diễn biến của thực tiễn sản xuất, kinh doanh...và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hàng nông lâm thủy sản nội địa: từ 2017 đến nay toàn Ngành nông nghiệp đã kiểm tra 84.417 cơ sở, xử phạt hành chính 7.148 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản (chiếm 8,5%), giảm nhẹ so với năm 2016 (9%)) với số tiền phạt 52 tỷ đồng, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2016 (5,7 tỷ đồng). Ngoài ra đã kiểm tra 80.058 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện và xử phạt 10.478 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp (chiếm 13%) với tổng số tiền xử phạt 87 tỷ đồng.

Công tác giám sát ATTP nông lâm thủy sản tập trung vào các sản phẩm, vấn đề gây bức xúc trong xã hội, cụ thể là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau và chất cấm, kháng sinh trong thịt, thủy sản nhằm xác định mức độ vi phạm, đánh giá rủi ro để kịp thời cảnh báo, khoanh vùng, đối tượng cần tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm. Kế hoạch lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát trên diện rộng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh, chất cấm trong thịt, thủy sản được thiết kế theo hướng dẫn của Ủy ban thực phẩm quốc tế (CODEX).

 cac diem noi bat trong cong tac quan ly chat luong, attp nong lam thuy san tu khi ban hanh nghi quyet cua quoc hoi hinh anh 3

Kết quả đến nay đã giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...: trong 02 năm 2017 và 2018 không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong gần 9.000 mẫu nước tiểu, 1.500 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ (so với 0,4% mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol năm 2016); tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh năm 2018 là 0,2% (giảm so với 0,6% năm 2017 và 1,7% năm 2016); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV năm 2018 là 1,4% (giảm so với 2,05% năm 2016). Đối với các trường hợp mẫu vi phạm các cơ quan chức năng đã có văn bản gửi các bên liên quan yêu cầu truy xuất, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và tăng cường kiểm soát trong sản xuất, lưu hành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

 cac diem noi bat trong cong tac quan ly chat luong, attp nong lam thuy san tu khi ban hanh nghi quyet cua quoc hoi hinh anh 4

Lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) kiểm tra và thăm gian hàng nông sản sạch tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Dantocmiennui.vn.

Cơ sở giết mổ tập trung và quô mô lớn gia tăng đáng kể

Cả nước có 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung với quy mô gia tăng đáng kể (435 cơ sở quy mô lớn 50 con lợn, 200 con gia cầm trở lên một ngày so với 20 con lợn, 100 con gia cầm năm 2016). Một số tỉnh miền Trung và Nam bộ như Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, ... đã thực hiện rất tốt theo Đề án quy hoạch do UBND tỉnh phê duyệt tiến tới dần xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn. Số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ giảm từ 29.557 cơ sở xuống 27.918 cơ sở; tuy nhiên vẫn còn ở mức cao dẫn đến rất khó khăn trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh diễn biến dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh và phức tạp.

Nhận được sự phối hợp mạnh mẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN về “Vận động và giám sát bảo đảm về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2018” (Chương trình 90) và Chương trình số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020” (Chương trình 526). Các Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Chi hội trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các văn bản và xây dựng chương trình phối hợp với các nội dung cụ thể, thiết thực. Các nội dung triển khai đã gắn kết, lồng ghép với các Kế hoạch, chương trình, đề án và nhiệm vụ công tác của các đơn vị.

Công tác thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng tăng mạnh về số lượng và hình thức thông tin, tuyên truyền phong phú cao gấp nhiều lần so với năm 2016: Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo các cấp triển khai các Chương trình phối hợp tuyên truyền, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Hàng năm tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm phổ biến các quy định về đảm bảo ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản cũng như mở lớp đào tạo, tập huấn nghề cho hàng nghìn lao động, qua đó giúp người sản xuất kinh doanh nhận thức và thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, đã tổ chức hơn 4 nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm cho gần 300 nghìn lượt người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh; mở hơn 100 lớp đào tạo nghề cho gần 4.000 lượt lao động trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại có liên kết với các doanh nghiệp…

 cac diem noi bat trong cong tac quan ly chat luong, attp nong lam thuy san tu khi ban hanh nghi quyet cua quoc hoi hinh anh 5

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, cùng lãnh đạo TP.Hà Nội làm việc về cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn cho thành phố. Ảnh: Dantocmiennui.vn.

Một số định hướng, kế hoạch trọng tâm trong thời gian tới

-Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP hài hòa với các chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không bảo đảm an toàn khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh

- Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; Mở rộng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử.

   - Cung cấp kịp thời, chính xác cho các Báo, Đài thông tin quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản. Tiếp tục phối hợp với Báo, Đài… tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản; truyền thông, quảng bá các địa chỉ sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn...Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020".

-Chủ động tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về ATTP. Đôn đốc các địa phương tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2018.

- Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; kịp thời kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho  người tiêu dùng.Tiếp tục xử lý rào cản kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm duy trì và mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam sang các nước.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Tổ chức đánh giá, chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp, ATTP theo quy định./.

"CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỚI CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN"

Dân Việt