0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Tránh giơ cao đánh khẽ

02/05/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Tránh giơ cao đánh khẽ
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm trong thời gian qua khi nhiều vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện. Nhân "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2018 (từ ngày 15-4 đến 15-5), Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến của các nhà quản lý về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh việc tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ” khi phát hiện vi phạm.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm:
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất

Tổ chức Công đoàn từ trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các bữa ăn ca của hàng triệu công nhân, viên chức lao động. Hằng năm, đều có chương trình hành động nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như quản lý ngành dọc, phối hợp tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người thực thi nhiệm vụ lĩnh vực này.

Ngoài ra, chỉ đạo Công đoàn cơ sở giám sát việc chấp hành pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến thức ăn sẵn và cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trong trung tâm thương mại, doanh nghiệp cung cấp suất ăn ca. Qua đây, Tổng Liên đoàn đánh giá được công tác phối hợp kiểm tra, giám sát liên ngành tại địa phương, cơ sở; phát hiện bất cập cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục. Trong đó, kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất; xử lý nghiêm vi phạm và công bố công khai cơ sở vi phạm, tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ”...

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ:
Sẽ xử lý nghiêm các vụ vi phạm nghiêm trọng

Hà Nội luôn là địa bàn “nóng” với nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, trong khi nhân lực chuyên trách quản lý lĩnh vực này còn hạn chế. Vì vậy, để "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2018 đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, gồm lãnh đạo các sở: Y tế, Công Thương, NN&PTNT làm trưởng mỗi đoàn, kiểm tra công tác triển khai của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và sở, ban, ngành trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. Hiện, thành phố đã đưa vào sử dụng 5 xe kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm lưu động. Vì vậy, khi tiến hành kiểm tra, các đoàn cần tăng cường đưa các xe vào kiểm nghiệm thực phẩm để sớm có cảnh báo với người tiêu dùng.

Tại cuộc họp triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm", đại diện các sở: Y tế, Công Thương, NN&PTNT thống nhất tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, gắn với tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Riêng Công an thành phố sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm lưu thông trên địa bàn nhằm phát hiện, điều tra xử lý theo pháp luật trường hợp vi phạm, đặc biệt là hàng giả, hàng nhập lậu, rượu có chất độc hại.

Trưởng ban Ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Lê Xuân Chiển:
Phân định trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo

2018 là năm thứ hai Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lập đoàn giám sát độc lập về vệ sinh an toàn thực phẩm. Với vai trò đặc thù tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân trong mọi nhiệm vụ, ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, MTTQ thực hiện giám sát gắn với tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và kỹ năng tuyên truyền giám sát cho đội ngũ cán bộ MTTQ từ thành phố đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, vận động nhân dân thực hiện, bảo đảm an toàn thực phẩm là một nội dung quan trọng của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; 100% khu dân cư chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực này; ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện đăng ký, cam kết, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi kiến nghị có cơ chế rõ ràng giữa nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành chức năng, tránh tình trạng phối hợp liên ngành kiểm tra, giám sát phát hiện vi phạm nhưng chưa xử lý triệt để vì còn nhiều chồng chéo như hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thu Hường:
Người kinh doanh thực phẩm cần nâng cao trách nhiệm xã hội

Địa bàn nhỏ, chỉ 0,9km2, nhưng phường Hàng Bạc có 11 tuyến phố thương mại sầm uất với 129 cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó có một tụ điểm kinh doanh thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn và rau củ quả các loại dọc hai tuyến phố Trung Yên, Gia Ngư, mỗi ngày thu hút hàng nghìn người mua bán. Nếu không quan tâm làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thì đây là “mầm” gây bệnh rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng.

Nhận thức như vậy, UBND phường coi công tác vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các nhiệm vụ phát triển, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị... Cụ thể, mỗi năm, phường tổ chức đoàn thanh tra gồm đầy đủ thành phần như y tế, công an, hội phụ nữ, quản lý thị trường... tiến hành kiểm tra và xử lý ngay vi phạm nếu phát hiện. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn vi phạm, chủ yếu do ý thức, trách nhiệm của người kinh doanh và người tiêu dùng chưa cao. Do vậy, ngoài tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, thì sự thay đổi nhận thức người kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội... là rất cần thiết.
Linh Nhi - Thu Trang