0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thua cả trên hai sân

05/12/2016    4.6/5 trong 5 lượt 
Thua cả trên hai sân
Trong cùng một ngày, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hai sự kiện nhằm gắn kết giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố, đồng thời nhằm bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt khi bước ra thị trường khu vực và thế giới. Mở cửa hội nhập thì cạnh tranh càng khốc liệt
Nếu các hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không thay đổi cách nhìn về thị trường nội địa, về chiến lược ra biển lớn thì chắc chắn sẽ thua cả trên “sân nhà” lẫn “sân khách”.
 
Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo vệ. Mặc dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, nhiều địa phương có những loại quả đặc sản nổi tiếng, song hiện nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương xao nhãng, thậm chí “bỏ quên” việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản. Rất ít nhãn hiệu nông sản Việt được người dân các nước biết đến uy tín, chất lượng.
 
Kết quả điều tra cho thấy một thực trạng đáng buồn, có tới 90% lượng nông sản Việt xuất khẩu phải núp dưới nhãn hiệu nước ngoài. Khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 150 nhãn hiệu chứng nhận được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ có một số ít trong đó được bảo hộ ở nước ngoài. Thực tế này có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Song “lỗi” chính là do năng lực của các doanh nghiệp còn thấp, trong khi sự gắn kết giữa chính quyền địa phương, người sản xuất và doanh nghiệp vừa rời rạc, vừa lỏng lẻo. 
 
Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, TP Hà Nội đang tích cực làm đầu mối kết nối chặt chẽ với các địa phương trong việc cung cấp hàng hóa tới tay người tiêu dùng, trong đó chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra rất đáng lo ngại. Trước khi ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và các nước EU liên tục tổ chức các hội chợ, hàng hóa ngoại theo chân các nhà bán lẻ luồn lách khắp mọi hang cùng, ngõ hẻm trên đất Việt. 
 
Tất nhiên, cuộc “tấn công” của hàng ngoại trên thị trường nội địa tạo ra cuộc cạnh tranh sống còn về chất lượng, giá cả với hàng nội, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Thế nhưng, trong khi hàng Việt đang chật vật đẩy mạnh xuất thô là chủ yếu thì thị trường trong nước đầy tiềm năng đang bị hàng ngoại “thôn tính”, dồn ép sát chân tường. Nguy cơ thua cả trên hai sân là khó tránh khỏi nếu không có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và quyết tâm cao.
Đan Thanh