Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cho biết thông tin này tại tại buổi họp báo về cải cách, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 15/11
Giảm thế nào ?
Theo đó, các thủ tục hành chính Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ bãi bỏ thuộc các nội dung gồm nhiều nội dung liên quan tới kiểm tra nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm, y tế... thuộc thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát của bộ.
Cụ thể là các điều kiện về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016. Về công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo đề xuất của Bộ Y tế, chỉ kiểm tra tối đa không quá 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm với các sản phẩm đã được xác nhận đạt yêu cầu về ATTP được cấp tại các nước mà Việt Nam tham gia ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng. Hoặc đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu. Hay được sản xuất trong cơ sở có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000, GMP, IFS, BRC hoặc tương đương…
Như vậy, theo đề xuất của Bộ Y tế, sẽ có 95% các lô hàng nhập khẩu không cần kiểm tra hồ sơ. Đồng thời với đó, Bộ cũng đề xuất giảm thời gian kiểm tra các sản phẩm thông thường từ 6 ngày xuống còn 3 ngày.
Cũng theo đại diện của Cục An toàn Thực phẩm, với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, vật liệu bao gói, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, doanh nghiệp sẽ không cần làm các thủ tục công bố hợp quy mà được phép tự công bố, và gửi 1 bản tới UBND cấp tỉnh và được phép sản xuất kinh doanh sau khi gửi bản công bố.
Tuy nhiên, Cục sẽ kiểm soát chặt với nhóm thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp sản xuất trong nước. Nhóm hàng hóa này sẽ phải được thẩm xét hồ sơ và sau khi được cấp giấy phép tiếp nhận mới được sản xuất kinh doanh – bà Nga cho biết.
Nhiệm vụ
Trước đó, trong cuộc đối thoại với DN do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 8/9, các đại biểu và DN đề nghị cần sửa đổi khá nhiều bất cập trong thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012 quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm.
Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã cam kết với Phó Thủ tướng sẽ sửa các quy định về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đang gây không ít khó khăn cho DN. Các hướng sửa đổi nêu trên là nhằm thực hiện chính các yêu cầu này.
Qua tổng hợp của Bộ Y tế cho biết nhiều ý kiến kiến nghị của DN mong muốn giảm hơn nữa thời gian công bố sản phẩm đối với nhóm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến, hoặc các thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe trong vòng 30 ngày như dự thảo.
Quan điểm của DN cho rằng quy định về thời gian như tại dự thảo vẫn là quá lâu và trực tiếp làm DN thiệt hại do chờ đợi, mất cơ hội kinh doanh. Xử lý vấn đề này, Bộ Y tế đã lập hội đồng để thẩm định lại quy định và đề xuất sửa quy định với loại thực phẩm này nhằm tìm cách rút ngắn hơn nữa thời gian công bố theo quy định.
Về chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về phân cấp, Bộ Y tế cho biết Bộ đã đề xuất sửa đổi theo hướng nhóm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến hoặc các thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe sẽ công bố tại Bộ Y tế, còn tất cả sản phẩm còn lại, cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố của các DN sẽ là Sở Y tế.
Vấn đề là nhiệm vụ trực tiếp của Bộ Y tế trong thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ sửa đổi theo hướng bổ sung diện miễn kiểm cho DN. Cụ thể, với những DN qua kiểm tra về an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng, nếu có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu thì sẽ được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế cho biết, đồng thời với đó, Bộ cũng sẽ yêu cầu bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra lại đối với trường hợp sản phẩm của DN đã đạt tiêu chuẩn ISO, GMP, HACCP… Theo Bộ Y tế, hiện thời gian hoàn thiện dự thảo cuối cùng trước khi trình Chính phủ đã cận kề, do đó, các DN, hiệp hội tiếp tục có ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 38/2012 cần nhanh chóng hơn nữa hoàn thiện ý kiến để gửi về Cục ATTP – cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo sửa đổi nghị định. Qua đó, Bộ Y tế sẽ tổng hợp và xem xét lại một lần nữa, sau đó Bộ sẽ gửi lại các DN, hiệp hội… bản dự thảo có ý kiến trước khi gửi Chính phủ ký ban hành