0908.326.779 - 0906.362.707
 

Kiểm tra sau thông quan: Thêm thách thức cho cơ quan quản lý

27/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Kiểm tra sau thông quan: Thêm thách thức cho cơ quan quản lý
Thay vì phải qua kiểm tra trước khi thông quan, nay nhiều loại hàng hóa được chuyển sang kiểm tra sau thông quan. Quy định này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu song lại đặt ra thêm thách thức đối với cơ quan quản lý.
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm
 
Theo biện pháp tiền kiểm, doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm hàng hóa phù hợp với tất cả các quy định của pháp luật trước khi lưu thông. Còn đối với biện pháp hậu kiểm, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng trước một phần để được thông quan ngay, việc kiểm tra sẽ được lựa chọn và thực hiện sau đó. Như vậy, rõ ràng là chế độ hậu kiểm giúp gỡ bỏ những khó khăn liên quan đến thời gian lưu kho, bãi cho doanh nghiệp nhập khẩu.
 
Cơ quan quản lý thị trường phát hiện thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Cơ quan quản lý thị trường phát hiện thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
 
Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã cùng 12 bộ, ngành rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường) và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
 
Theo đó, Bộ KH&CN đã ban hành thông tư 02/2017/TT-BKHCN với tinh thần làm rõ cách thức công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm và đặc biệt là biện pháp hậu kiểm.
 
Tiến sỹ (TS) Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt - May Việt Nam - cho biết, theo chế độ tiền kiểm, thông thường mỗi mẫu vải có chi phí giám định hàm lượng formaldehyde là 1,5 triệu đồng. Nay chuyển sang hậu kiểm, doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được khoản tiền này mà thời gian thông quan cũng rút ngắn được 2-3 ngày.
 
“Tùy thuộc vào lượng mẫu vải doanh nghiệp nhập khẩu để gia công nhưng có thể khẳng định, chỉ riêng trong ngành dệt - may, ước tính đã tiết kiệm tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp” - ông Cẩm nhẩm tính.
 
Theo danh sách rà soát lại danh mục hàng hóa nhóm 2 được Bộ KH&CN cùng với 12 bộ, ngành thực hiện, có ít nhất 50% các loại hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra trước khi thông quan sẽ được chuyển sang hậu kiểm
Buông nhưng không lỏng
 
Việc gỡ bỏ những quy định trong quản lý nhà nước sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, song nó đi đôi với nguy cơ bị doanh nghiệp lợi dụng để làm ăn gian dối.
 
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ KH&CN - thừa nhận, biện pháp tiền kiểm chặt chẽ và hạn chế rủi ro cao hơn biện pháp hậu kiểm, chính vì vậy cơ quan quản lý phải căn cứ trên tình hình thực tế, điều kiện cụ thể để xem các nhóm sản phẩm hàng hóa nào bắt buộc phải tiền kiểm, nhóm sản phẩm hàng hóa nào có thể đưa sang hậu kiểm được.
 
Như với lĩnh vực của Bộ KH&CN quản lý, chỉ còn mặt hàng xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) là áp dụng biện pháp tiền kiểm; tất cả sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 còn lại (thép, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện - điện tử, mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy) đã được chuyển sang áp dụng biện pháp hậu kiểm.
 
Ông Linh cho biết, dù hậu kiểm nhưng nếu phát hiện doanh nghiệp không đáp ứng quy chuẩn quốc gia chắc chắn phải có hình thức xử lý khắc phục hậu quả. “Hiện các quy định thông thoáng hơn nhưng nó lại đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm hơn. Nếu để xảy ra sai phạm ở mức phải xử lý hậu quả, doanh nghiệp sẽ chịu tốn kém hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra để quản lý chất lượng sản phẩm”.
 
TS Trương Văn Cẩm cho rằng, trên thực tế, không tránh khỏi những doanh nghiệp gian dối. Hiện nay, hải quan đã phân loại luồng doanh nghiệp theo ba cấp độ: Miễn kiểm tra (luồng xanh); kiểm tra hồ sơ (luồng vàng); kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng đỏ). Theo ông Cẩm, khi hậu kiểm, chỉ cần bị phát hiện vi phạm một lần, ngay lập tức doanh nghiệp phải bị chuyển sang luồng đỏ.
 
Đặc biệt, ông Cẩm kiến nghị cơ quan nhà nước cần xây dựng chế tài đủ mạnh, tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm 2,3 lần nhưng chỉ bị phát hiện một lần, phạt nhẹ thì tính ra vẫn có lợi, như thế sẽ không đủ sức răn đe.
 
Mới đây nhất, ngày 1/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Theo đó mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng
Phương Nguyên