Việt Nam cần chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng
Công ty TNHH Apple Việt Nam (VN) (thuộc Tập đoàn khổng lồ Apple, có trụ sở chính tại Mỹ) chính thức được thành lập tại VN ngày 28/10/2015. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh của Apple VN, ban đầu hãng sẽ chú trọng vào việc phân phối sản phẩm và chế độ hậu mãi ở thị trường nước ta.
Động thái này được các chuyên gia đánh giá là sự thay đổi lớn của gã khổng lồ Apple. Bởi từ trước đến nay thị trường VN luôn được xếp ở nhóm ít quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của hãng công nghệ hàng đầu thế giới này.
Gặp khó vì thủ tục
Thế nhưng mới đây, trước thủ tục hành chính rối rắm, kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, Apple VN đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng VN đề nghị bỏ quy định yêu cầu cấp phép đối với từng lô hàng nhập khẩu.
Apple cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan giấy chứng nhận hợp quy, kiến nghị miễn giấy phép nhập khẩu thiết bị Apple Watch; bãi bỏ việc cấp giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng điện thoại di động theo quy định tại Thông tư 18/2014… Qua đó giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa, góp phần tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp (DN).
|
Các sản phẩm công nghệ cao như iPhone 7, iPhone 8… vẫn phải kiểm tra chuyên ngành. Trong ảnh: Khách hàng đang mua điện thoại di động tại cửa hàng. Ảnh: HTD . |
Trước đó, khi làm việc với các bộ, ngành liên quan đến cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề cập đến những vấn đề liên quan tới sản phẩm của Apple.
Ông Dũng nhìn nhận thực tế có việc các sản phẩm công nghệ cao từ các nước G7 như iPhone 7, iPhone 8 vẫn phải kiểm tra chuyên ngành. Điều đáng nói là kiểm tra nhưng chỉ bằng cảm quan, nhìn qua hàng hóa bằng mắt thường rồi thu của DN hơn 1 triệu đồng tiền phí là bất hợp lý.
“Đến iPhone 7, 8 vẫn bị kiểm tra, trong khi phòng xét nghiệm, kỹ thuật không có. Hơn nữa, hàng của nước G7 sản xuất, chúng ta chưa làm được mà lại đi kiểm tra” - ông Dũng nhận xét.
Phải mang laptop tặng… Myanmar!
Không chỉ Apple mà nhiều hãng lớn khác cũng gặp khó với điều kiện kinh doanh, thủ tục ở VN. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét: “Hàng loạt thủ tục hành chính, quy định mang tính cứng nhắc, gây khó khăn cho DN, đến ngay cả hãng máy bay Boeing cũng không thể đáp ứng nổi điều kiện kinh doanh của VN”.
Cụ thể theo ông Lộc, sản xuất máy bay Boeing phải dựa trên các chi tiết làm ra tại hàng trăm cơ sở sản xuất tại hàng chục quốc gia. Trong khi đó, nếu làm theo quy định kinh doanh ở VN dành cho mũ bảo hiểm, đóng tàu… thì Boeing cũng bó tay, không thể đáp ứng nổi.
Đại diện một DN lớn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ không muốn nêu tên cho biết có một số thiết bị, linh kiện điện tử không có tính chất thương mại mà chỉ mang tính chất kiểm định nội bộ nhà máy nhưng vẫn phải theo một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Khổ nhất là phải thông qua nhiều cơ quan, bộ, ngành để xin giấy phép, làm hợp chuẩn, hợp quy mới được thông qua.
“Mất quá nhiều thời gian, thường là phải 35-45 ngày nên không thể đảm bảo nhu cầu khách hàng. Chúng tôi phải chịu phạt vì không đúng thời hạn. Theo chúng tôi, nên có sự rạch ròi giữa sản phẩm kiểm định nội bộ, chế tạo trong DN với sản phẩm có tính chất thương mại” - đại diện DN kiến nghị.
Chưa hết, Thông tư 04/2014 của Bộ Công Thương về danh mục hàng cũ, đã qua sử dụng nhập khẩu có nhiều bất cập, buồn cười. Theo thông lệ, DN này cấp máy tính cho nhân viên sử dụng và cứ hai năm phải thay máy mới. Máy này nhập khẩu nên khi thanh lý phải làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu.
Ở trong nước, có nhiều tỉnh đặt vấn đề với DN này tặng máy tính cũ để phục vụ thông tin cho các trường, dạy máy tính, phục vụ Internet… Tuy vậy, Thông tư 04/2014 của Bộ Công Thương đã ngăn cản DN làm việc đó. Chẳng đặng đừng, DN phải đem máy tính này tặng cho… Myanmar.
“Lý do là vì quy trình để tặng máy rất phức tạp như phải xin ý kiến của nhiều bộ, rồi phải báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, phải bổ sung cả ngân sách lắp đặt” - vị đại diện DN đầu tư nước ngoài bức xúc.
Kiểm tra bằng… mắt nhìn, tay sờ
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã báo cáo kết quả kiểm tra chuyên ngành tháng 9 với hàng hóa xuất nhập khẩu và đưa ra nhiều kiến nghị. Báo cáo chỉ rõ việc kiểm tra chuyên ngành còn mang tính thủ tục, hồ sơ nhiêu khê, đòi hỏi phải xuất trình cả những giấy tờ không liên quan đến chất lượng hàng hóa.
“Tiếng là kiểm tra chuyên ngành nhưng có khi làm thủ tục là chính, còn kiểm tra xét nghiệm sản phẩm không kiểm tra hoặc rất ít. Có kiểm tra thì lại bằng nhãn quan, cảm tính, mắt nhìn, tay sờ trong khi bắt DN phải đóng 1.050.000 đồng/hồ sơ. Không bật container, không mang sản phẩm nhưng vẫn xét nghiệm được, không phân loại DN ưu tiên” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng, từng nhận xét.
Nhất trí với các nhận xét, kiến nghị của tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương cần chấn chỉnh việc ban hành các văn bản chồng chéo, tạo ra thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp như một dạng giấy phép con, mang tính co kéo lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành, gây khó khăn cho người dân và DN.
Đặc biệt đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế, công nhận lẫn nhau và chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng; những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...
Bộ Tài chính đề nghị gỡ khó cho Apple
Tán đồng với đề nghị của Apple VN và để tạo thuận lợi thương mại, Bộ Tài chính vừa kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ việc cấp giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng điện thoại di động theo quy định tại Thông tư 18/2014.
Về giấy chứng nhận hợp quy, Bộ Tài chính thống nhất với kiến nghị của Apple VN về việc thừa nhận kết quả chứng nhận hợp quy của các tổ chức chứng nhận nước ngoài uy tín đã được quốc tế công nhận làm cơ sở đánh giá chất lượng hàng hóa trước khi nhập khẩu.
Về giấy phép nhập khẩu thiết bị Apple Watch, Bộ Tài chính cho rằng trường hợp xác định chính xác công suất của sản phẩm đồng hồ Apple Watch dưới mức 60 mW, theo quy định không thuộc đối tượng phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chính sách như bẫy doanh nghiệp
Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài khổ mà những ông lớn tại VN như Tập đoàn CMC, FPT… cũng “khổ sở” với những quy định do chính cơ quan quản lý đặt ra. Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, cho rằng nhiều chính sách đưa ra như… bẫy DN.
“Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng cáp quang, mở băng thông rộng hơn, tốt hơn và FPT Telecom đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào mở rộng hạ tầng, thay đổi công nghệ. Tuy nhiên, chỉ mới ba năm chưa hết khấu hao (mà thông thường là phải 10 năm) thì Nhà nước lại đặt ra quy định mức thu 1,5% dịch vụ viễn thông công ích làm các DN phải cân nhắc việc hạn chế dịch vụ, co kéo đầu tư”.