Một mặt hàng nhưng thuộc quản lý của nhiều bộ, hoặc chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau… là những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, trong khi cơ quan Hải quan mang tiếng oan.
Ngày 29-12, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ tổ chức hội nghị tổng kết một năm thực hiện các Quyết định trên liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đánh giá những mặt đã đạt được và tồn tại cần được sửa đổi để tạo điều kiện cho DN, hàng hóa thông quan nhanh chóng.
Một mặt hàng khá thông dụng với cuộc sống của người dân là
sữa chua uống lên men NK. Để đến được tay người tiêu dùng, mặt hàng này phải “gánh” hai loại giấy tờ. Một là Chứng từ kiểm tra chất lượng, hai là chứng từ kiểm tra kiểm dịch động vật. Và để có được hai loại giấy tờ trên, chai sữa chua uống lên men phải “gõ cửa” ở hai cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau.
Cụ thể là trường hợp của Công ty TNHH Betagen Việt Nam kinh doanh mặt hàng sữa chua uống lên men NK từ Thái Lan tại Cục Hải quan TP.HCM. Lô hàng của công ty đã được Cục An toàn thực phẩm-Bộ Y tế cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định
an toàn thực phẩm cho
thực phẩm chức năng và đã được Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cấp chứng từ thông báo thực phẩm đạt yêu cầu
nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan yêu cầu DN xuất trình 2 loại chứng từ để hoàn tất thủ tục thông quan là: Chứng từ kiểm tra chất lương từ Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM và Chứng từ kiểm tra kiểm dịch động vật từ Chi cục Thú y TP.HCM.
Theo quan điểm của Công ty TNHH Betagen Việt Nam, sản phẩm của Công ty là sữa đã qua
chế biến và nằm trong nhóm thực phẩm chức năng do Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cấp giấy xác nhận
công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM là hợp lý. Hơn nữa, do đặc thù hàng hóa kinh doanh của DN là hàng bảo quản lạnh và thời hạn sử dụng ngắn (45 ngày kể từ ngày sản xuất), để hoàn tất được thủ tục và cung cấp hai loại chứng từ trên mà cơ quan Hải quan yêu cầu để hoàn tất thông quan thì công ty phải tốn rất nhiều chi phí lưu container, phí bảo quản lạnh hàng hóa. Như vậy, thời hạn sử dụng sản phẩm của DN không còn đủ hạn sử dụng để bán vào các kênh
siêu thị và nhà phân phối. DN đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan chấp thuận thông quan cho các lô hàng NK của DN chỉ với một chứng từ kiểm tra chất lượng duy nhất.
Tuy nhiên, kiến nghị của DN lại không nằm ở phạm vi thẩm quyền quyết định của Bộ Tài chính. Theo Bộ Tài chính, căn cứ Quyết định số 3648/2016/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc công bố Danh mục sản phẩm hàng hóa NK phải kiểm tra việc đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì mặt hàng sữa chua uống lên men là mặt hàng phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan. Đồng thời, căn cứ Quyết định số 4758/2015/QĐ-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Bảng mã số HS của Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch thì mặt hàng sữa chua uống lên men thuộc Danh mục sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch. Như vậy, đối với mặt hàng sữa chua uống lên men thuộc diện điều chỉnh của cả 2 văn bản nêu trên. Bên cạnh đó, đối với kiến nghị, cơ quan Hải quan chấp nhận thông quan hàng hóa chỉ với một chứng từ kiểm tra chất lượng cũng vượt quá thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Để giải quyết vướng mắc của DN, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị 3 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế ghi nhận kiến nghị của công ty trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho DN trong việc giảm thời gian thông quan hàng hóa theo tinh thần Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đề xuất, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các Quyết định, Thông tư có liên quan, đối với mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến sâu (như: Sữa chua, thực phẩm đóng hộp…) vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm, DN chỉ cần xuất trình một trong hai chứng từ để thông quan hàng hóa.
Trường hợp một mặt hàng chịu sự quản lý của hai cơ quan quản lý nhà nước chỉ là một trong số rất nhiều những vướng mắc liên quan đến hoạt động quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Mới đây, Bộ Tài chính đã yêu cầu 11 Bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung 76 nhóm văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý chuyên ngành. Bộ Tài chính nêu rõ thực trạng hiện nhiều bộ quản lý cùng một sản phẩm, thời gian kiểm tra quản lý chuyên ngành kéo dài, cản trở cho thủ tục thông quan, thoát lưu dòng hàng hóa. Ví dụ Thông tư số 29/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương về quy định quản lý chất lượng phân bón vô cơ. Mặt hàng phân bón vô cơ là hàng hóa nhóm 2, thuộc diện phải kiểm tra trước khi thông quan. Tuy nhiên, việc quy định bắt buộc hai lần kiểm tra (chứng nhận hợp quy, kiểm tra chất lượng) trước khi thông quan là chưa phù hợp, cần điều chỉnh. Bộ Công Thương cần xem xét sự cần thiết kiểm tra chất lượng đối với phân bón NK trước khi thông quan (do mặt hàng này đã được thực hiện chứng nhận hợp quy khi NK)