Hàng sạch, bảo đảm chất lượng chưa vào được hết siêu thị
Đề cập đến thực trạng quản lý
ATTP trên địa bàn Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, số cơ sở
chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn ngày càng tăng, từ gần 48.000 cơ sở năm 2011, tăng lên gần 60.000 cơ sở năm 2016. Trong khi, tổng số nhân lực làm công tác quản lý ATTP là 11.946 người, nhưng chỉ có 254 cán bộ chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Riêng Ngành Công Thương chưa có mạng lưới quản lý ATTP ở tuyến xã, phường.
Bà Phạm Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện địa bàn phường còn thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP được đào tạo sâu về chuyên môn, vì vậy, trong quá trình quản lý còn gặp nhiều vướng mắc...
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm nay, đơn vị đã kiểm tra 10 cảng vụ, xử lý 2.300 vụ vi phạm về ATTP,
thực phẩm chức năng. Trong quá trình kiểm tra khâu lưu thông, khó khăn nhất vẫn là làm thế nào để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, trong vấn đề quản lý ATTP cần kiểm soát ngay từ gốc. Riêng hàng
nhập khẩu phải được kiểm soát ngay từ biên giới. Ông Vũ Vinh Phú dẫn chứng, khi ông sang chợ của Đài Loan (Trung Quốc) thấy hàng hóa họ cứ vào chợ là kiểm tra, nếu phát hiện bắp cải có vấn đề là hủy toàn bộ. Còn khi sang Nhật Bản, một bà nông dân bán rau mùi còn dán cả mác an toàn kỹ thuật cho sản phẩm của họ. Trong khi đó, tại Hà Nội vẫn còn tồn tại một số vấn đề, nhiều hộ vẫn trồng riêng rau để bán và để ăn nhưng ngành chức năng khó quản lý và nỗi lo thực phẩm “bẩn” vẫn thường trực. “Công tác kiểm tra ngược các đơn vị cung ứng của các siêu thị làm chưa được tốt. Các thiết bị bảo quản, dự trữ bán ra hàng nông sản thực phẩm còn chưa được chuẩn hóa, có thể làm suy giảm chất lượng thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng...” - ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Chọn người, giao trách nhiệm cụ thể
Lo lắng nhất của người tiêu dùng hiện nay là không biết đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm không an toàn. Đóng góp ý kiến cho việc quản lý ATTP trên địa bàn Hà Nội, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ làm công tác thanh tra để công tác này được đảm bảo thực hiện minh bạch, tạo niềm tin cho người dân về thực phẩm.
Còn theo ông Vũ Vinh Phú, ý thức và kỷ luật thị trường trong vấn đề ATTP của nước ta còn kém. Do đó, cần phải tạo thành chuỗi từ sản xuất tới bán lẻ, tổ chức sản xuất sạch và tổ chức chuỗi thực phẩm an toàn sạch ngay từ đầu. Chính vì “sức” có hạn nên chúng ta tập trung vào rau sạch và chăn nuôi, làm dứt điểm và nhân rộng ra, chứ không làm theo phong trào. Điều quan trọng nhất trong quản lý ATTP là cần phân cấp triệt để hơn, chia rõ trách nhiệm, nên luật hóa dần việc thí điểm trách nhiệm, chọn người, giao trách nhiệm cụ thể. Thành phố nên có quỹ hỗ trợ cho người sản xuất rau sạch, chăn nuôi an toàn, tổ chức lại thị trường tiêu thụ.
Từ những đóng góp ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, trong kỳ họp thứ ba HĐND TP Hà Nội sắp tới sẽ có một phần chất vấn về vấn đề ATTP, Sở Y tế sẽ tổng kết và báo cáo đầy đủ các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham gia buổi hội thảo này, đồng thời cam kết sẽ cùng các ban, ngành liên quan góp sức vào việc thực hiện ATTP từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, thanh kiểm tra…