Trong khi đó, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được sản xuất theo nguyên tắc “6 không”: Không chất hóa học, không thuốc trừ cỏ; không thuốc trừ sâu hóa học; không chất kích thích tăng trưởng; không hóa chất bảo quản; không biến đổi gene. Để có sản phẩm HC, người SX phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC, trong đó, có những quy định nghiêm ngặt hơn cả tiêu chuẩn Global GAP.
Loạn thực phẩm hữu cơ “tự phong”
Theo Bộ NNPTNT, hiện nay tốc độ phát triển cũng như nhu cầu về thực phẩm hữu cơ (TPHC) ở Việt Nam đang gia tăng nhanh. Theo thống kê, cả nước hiện đang có khoảng 70.000ha sản xuất theo xu hướng hữu cơ, với khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất nhưng vẫn chưa có chứng nhận, ngoại trừ một số tập đoàn lớn như TH, Vinamilk... đã có chứng nhận từ các tổ chức quốc tế, còn lại chủ yếu vẫn là “tự phong”.
NNHC là NN tự nhiên với hệ thống quản lý sản xuất đồng bộ, nhằm đảm bảo hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt… Hầu hết người tiêu dùng đều hiểu TPHC được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ và là thực phẩm an toàn cao cấp được sử dụng theo quy trình nghiêm ngặt: Không sử dụng hóa chất, chỉ được sử dụng phân bón hữu cơ, làm cỏ bằng tay hoặc cơ giới và phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp thủ công, sinh học mà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 14.12, ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam cho biết: Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ban hành quy chuẩn Quốc gia về NNHC. TPHC tại Việt Nam đang được chứng nhận theo phương thức: Nếu là TPHC xuất khẩu, sản phẩm dựa trên tiêu chuẩn do các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Control Union, Ecocert, Bioagricert… kiểm tra và cấp giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ NN Mỹ và Châu Âu. Các sản phẩm TPHC xuất khẩu đảm bảo các tiêu chí quy định của quốc tế.
Đối với nông sản hữu cơ (NSHC) trong nước, một số tổ hợp tác, nhóm liên kết hộ nông dân SX nông sản hữu cơ tiêu thụ nội địa được cấp chứng nhận PGS Việt Nam (Participatory Guarantee System - Hệ thống đảm bảo cùng tham gia) do PGS Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ hướng dẫn. Chính vì vậy, Liên đoàn các phong trào NNHC Quốc tế (IFOAM) chỉ mới công nhận Việt Nam là nước có sản xuất NNHC, có tiêu chuẩn về TPHC nhưng chưa có quy định về NNHC.
Tiêu chuẩn TPHC rất nghiêm ngặt, được xếp thành 4 lớp tùy theo số phần trăm (%) thành phần hữu cơ: Hữu cơ hoàn toàn (100% organic): Không thêm một chất hóa học nào khác; hữu cơ (Organic): Có trên 95% chất hữu cơ được sử dụng; SX với thành phần hữu cơ (Made with organic ingredients): Có ít nhất 70% hữu cơ được sử dụng; có thành phần hữu cơ (Some organic ingredients): Dưới 70% hữu cơ được sử dụng. Tuy nhiên, trừ các DN sản xuất, chế biến TPHC để XK theo tiêu chuẩn của các DN nước ngoài, nhiều cơ sở đang nhập nhèm về TPHC, một số DN chỉ mới dừng lại SX theo hướng tự nhiên, chưa đạt tiêu chuẩn hữu cơ nhưng vẫn công bố NNHC để tăng giá bán, nhằm mục đích thương mại.
Ông Hà Phúc Mịch cho biết, nhiều cửa hàng treo biển “hữu cơ” để bán với mức giá cao hơn nhằm trục lợi, nhưng vì chưa có chế tài để xử phạt, nên rất khó xử lý. Trong khi đó, do chưa có cơ quan cấp chứng nhận TPHC, nên nhiều DN đang SX sản phẩm hữu cơ, đành phải “tự xưng” TPHC, rất thiệt thòi cho DN.
Chế tài để dẹp nạn TPHC “tự phong”
Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia và khung pháp lý cho sản xuất cũng như chứng nhận và giám sát cho sản phẩm hữu cơ. Theo thống kê của tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM, Việt Nam chỉ mới có bộ tiêu chuẩn PGS do Hội Nông Nghiệp Hữu cơ Việt Nam ban hành, tuy nhiên bộ tiêu chuẩn này vẫn chưa được pháp luật công nhận.
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: Dự kiến đầu năm 2018, Chính phủ sẽ thông qua và ban hành Nghị định về TPHC và phê duyệt đề án NNHC. Bằng việc ban hành tiêu chuẩn và xác định thế nào là TPHC, cơ quan chức năng sẽ có cơ chế pháp lý để kiểm soát tình trạng “loạn” thực phẩm NNHC, chấm dứt tình trạng DN sản xuất NNHC chân chính phải chịu tai tiếng “tự phong”, đồng thời dẹp được những cơ sở lợi dụng cảnh tranh tối tranh sáng để trục lợi.