0908.326.779 - 0906.362.707
 

Năm 2018: Thực hiện nghiêm quy định về hậu kiểm an toàn thực phẩm

16/12/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Năm 2018: Thực hiện nghiêm quy định về hậu kiểm an toàn thực phẩm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã nhấn mạnh như vậy tại họp tổng kết công tác an toàn thực phẩm năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 diễn ra ngày 14/12

Năm 2017: 24 người tử vong vì ngộ độc thực phẩm 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về ATTP, măm 2017, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm tiếp tục được quan tâm, tập trung vào thông tin, truyền thông để thay đổi hành vi phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng nguy cơ; giám sát phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ, cảnh báo phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng, tập trung vào giảm số mắc trong ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể; giảm số vụ, số tử vong tại bếp ăn gia đình, do rượu, nấm độc; kiểm soát phòng chống ngộ độc thực phẩm, trọng tâm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. 

Trong 11 tháng năm 2017, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.869 người mắc, 3.700 người đi viện và 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 27 vụ, giảm 438 người mắc, tuy nhiên số người tử vong tăng 12 người. Nguyên nhân tử vong tăng chủ yếu do ngộ độc methanol trong rượu (11 người), độc tố tự nhiên (10 người), 3 trường hợp còn lại chưa xác định được nguyên nhân. 

Theo Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, trong năm 2017, cả nước đã thành lập trên 23.400 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, xử lý 32.579 cơ sở, trong đó 19.208 cơ sở bị phạt trên 61 tỷ đồng, 611 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, trên 5.000 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm.  Ngoài việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

 

Năm 2018: Thực hiện nghiêm quy định về hậu kiểm an toàn thực phẩm  - Ảnh 1

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Yên Phú, (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) 

 

Còn theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2017, kết quả giám sát trên diện rộng do Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện cho thấy không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm salbutamol trong hơn 8.000 mẫu nước tiểu, 1.000 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ

Đến thời điểm hiện nay, gần 10.000 mẫu thực phẩm lấy tại các chợ, cơ sở giết mổ không phát hiện có chứa chất cấm; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm 0,06% (giảm 2,05%).Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm chỉ tiêu vi sinh lại tăng mạnh, chiếm tới 26,7% số mẫu được kiểm tra so với mức 9,35% của năm 2016.

Chuyển xử lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm- một cuộc đổi mới tư duy 

Tại phiên họp, các đại biểu cũng tập trung thảo luận dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2012 Nghị định Chính phủ. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38 được xây dựng theo hướng giao quyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm, ngoại trừ 3 nhóm gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học; phụ gia thực phẩm là những nhóm buộc phải đăng ký với cơ quan chức năng. Sau khi tự công bố doanh nghiệp được quyền sản xuất. Nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điểm mới nữa của dự thảo Nghị định này là giảm thời gian và các thủ tục công bố; Quy định trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm và công bố công khai tên sản phẩm của tổ chức cá nhân....

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong năm 2017 các cơ quan và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt đã chuyển biến rõ rệt, đã sản xuất theo quy trình. Gắn với đó là vấn đề đảm bảo môi trường.Tuy nhiên, đây là việc lâu dài, vì vậy các địa phương, các cơ quan ban ngành và người dân cần kiên trì thực hiện liên tục.

Năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung sản xuất hiệu quả có sản phẩm đạt chất lượng, tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là trong bối cảnh Luật hình sự mới có hiệu lực.

Theo Phó Thủ tướng, phải tăng cường các giải pháp đồng bộ, làm sao để sản xuất sạch là vấn đề rất chiến lược.  Thời gian tới, cần tập trung vào các vấn đề quản lý thức ăn đường phố, thức ăn trong chợ; kiểm soát hàm lượng các hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm; kiểm soát các lò mổ; kiểm tra, siết chặt các hộ chuyên kinh doanh cỗ cưới...  Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo ban hành chương trình sức khỏe Việt Nam, theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), trong đó quy định cả vấn đề về dinh dưỡng, nhất là chương trình sữa học đường, lồng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Đặc biệt trong đó, theo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 xử lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu kỹ Dự thảo Nghị định, trong đó tập trung các giải pháp nhưng không phá vỡ nguyên tắc là Chính phủ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong xã hội.

“Đây là một cuộc đổi mới tư duy, cũng giống như quá trình đổi mới, cũng cọ sát, cũng vật lộn. Kết quả làm có những tiến bộ nhưng cũng còn có những việc không thể một lúc, một chốc mà làm được. Vậy chúng ta phải đề ra những nội dung mà làm, quan trọng là phải làm có lộ trình và phải tiến lên”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

CHÂU GIANG