0908.326.779 - 0906.362.707
 

Doanh nghiệp thực phẩm khiếp sợ các quy định vô lý

25/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Doanh nghiệp thực phẩm khiếp sợ các quy định vô lý
Ma trận các yêu cầu vô lý, thiếu căn cứ từ phía công chức khi làm thủ tục xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm vẫn ám ảnh nhiều doanh nghiệp. Họ đang cần quy định để chắc chắn không có đất cho tình trạng trên

Nhiều câu hỏi chưa được trả lời

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bước ra khỏi Cuộc họp thống nhất một số nội dung của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2012/NĐ-CP (Dự thảo) tại Bộ Y tế với tâm trạng không thoải mái.

“Tôi vẫn chưa thấy được các câu trả lời đang chờ đợi trong bản Dự thảo”, ông Nam nói lý do.

Quy trình thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Ảnh: Đức Thanh
Nhiều doanh nghiệp ca thán, họ phải làm rất nhiều thủ tục, chờ đợi thậm chí tới vài tháng chỉ để nhận được một tờ giấy trong đó ghi là doanh nghiệp hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố  (Ảnh minh họa)

Đây chắc chắn không phải là ý kiến mà Bộ Y tế - đơn vị chủ trì soạn thảo Dự thảo muốn nghe. Họ đang muốn nhanh hoàn thiện Dự thảo để trình Chính phủ vì “bàn cũng đã nhiều rồi”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói.

Không mang đến cả tập hồ sơ như lần tham gia Cuộc đối thoại về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hôm 8/9, lần này, ông Nam cho biết, ông chỉ quan tâm đến 3 vấn đề mà Phó thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện khi kết luận cuộc đối thoại. Đó là quy trình thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, việc phân loại các thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao theo nguyên tắc không phải tất cả đều phải thẩm định, các quy định về phân cấp trong thực hiện các thủ tục trên.

“Nỗi thống khổ của doanh nghiệp chủ yếu do quy trình, thủ tục không rõ ràng, doanh nghiệp phải tốn thời gian để đi lại, bổ sung nhiều lần với nhiều yêu cầu không lý giải nổi. Chúng tôi không thể an tâm khi chưa nhìn thấy quy trình, thủ tục cụ thể trong nội dung của Dự thảo mà Bộ Y tế đưa ra để trao đổi”, ông Nam chia sẻ.

Trong cuộc họp hôm 8/9, các hiệp hội đã phải tập hợp hơn 10 trang các yêu cầu được xác định là vô lý, không có căn cứ pháp lý mà họ đã nhận được khi thực hiện thủ tục trên, như yêu cầu bổ sung hàm lượng chất xơ cho sản phẩm cà phê bột (cà phê bột thì không có chất xơ), đặt câu hỏi tại sao hàng sản xuất tại Anh mà nhãn lại có tiếng Thái…

Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp không an tâm, ngay cả điểm được cho là rất mới của Dự thảo, đó là cho phép doanh nghiệp tự công bố (bao gồm cả công bố hợp quy với sản phẩm đã có quy chuẩn và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với sản phẩm chưa có quy chuẩn) đối với thực phẩm thông thường đã qua chế biến bao gói sẵn. Thậm chí, cả việc phân cấp cho các sở y tế địa phương thực hiện thủ tục này, dù đúng như mong muốn của các doanh nghiệp, nhưng cũng lại xuất hiện thêm mối lo về thực thi.

“Chúng tôi đã đề nghị điện tử hóa thủ tục công bố. Khi đã điện tử hóa thì có thể phân cấp mạnh hơn, không nhất thiết toàn bộ thủ tục thẩm định với các thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao đều tập trung ở Bộ Y tế như Dự thảo”, ông Nam nói. Thậm chí, ông Nam còn phát hiện, trong Dự thảo xuất hiện thêm khái niệm thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe trong nhóm thực phẩm nguy cơ cao, cần tiến hành thủ tục thẩm định tại Bộ Y tế để được xác nhận là sản phẩm được phép lưu hành.

“Đây là thực phẩm gì, căn cứ theo quy định pháp luật nào? Nếu không làm rõ, chúng tôi e là sẽ phụ thuộc vào sự tùy nghi của người thực thi và doanh nghiệp sẽ lại vất vả”, ông Nam đặt vấn đề.

Ma trận vẫn còn

Câu nói của Thứ trưởng Trương Quốc Cường chắc hẳn khiến bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam - doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart bối rối.

“Chúng tôi ngạc nhiên khi chị lại tin vào… cái giấy đó. Cái giấy đó không xác nhận sản phẩm an toàn, mà là ghi doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói sau khi bà Hậu đặt câu hỏi, nếu Bộ Y tế không cấp giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm thông thường cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nữa thì doanh nghiệp bán lẻ sẽ căn cứ vào đâu để biết là thực phẩm an toàn.

Bà Hậu có thể không biết rằng, trong nhiều cuộc thảo luận về sự cần thiết của thủ tục này, nhiều doanh nghiệp đã ca thán, họ phải làm rất nhiều thủ tục, chờ đợi thậm chí tới vài tháng chỉ để nhận được một tờ giấy trong đó ghi là doanh nghiệp hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố.

Nhưng, không chỉ bà Hậu và Fivimart tin rằng, loại giấy mà Bộ Y tế cấp trên nhằm xác nhận độ an toàn của thực phẩm. Ngay trong Cuộc họp thống nhất một số nội dung của Dự thảo với sự chủ trì của Thứ trưởng Cường, không ít người muốn giữ nguyên quy trình hiện tại để đảm bảo an toàn thực phẩm, để bảo vệ người tiêu dùng. Thậm chí, ông Phạm Hưng Củng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thực phẩm chức năng còn nói, phải kiểm định chặt cả thực phẩm thông thường để bảo vệ người dùng.

“Họ không biết rằng, thủ tục cấp giấy xác nhận theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP là xác nhận hồ sơ đạt yêu cầu, chứ không phải sản phẩm đó an toàn. Đây là tiền kiểm hồ sơ, chứ không phải tiền kiểm thực tế, nên chúng tôi mới đề nghị thay đổi”, đại diện Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nói rõ.

Hơn 10 ngày trước, VASEP đã cùng EuroCham, Hiệp hội Sữa, Ban Thực phẩm và Đồ uống của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã cùng kiến nghị bỏ thủ tục hiện hành, thay bằng hình thức đăng ký theo mẫu đăng ký chất lượng thực phẩm chưa có quy chuẩn (do Bộ Y tế quy định) bằng đường điện tử, được cấp mã số ngay khi bản đăng ký đúng mẫu, điền đúng nội dung. Với sản phẩm đã có quy chuẩn, doanh nghiệp gửi đăng ký chất lượng thực phẩm với đầy đủ chỉ tiêu, mức giới hạn an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

“Trong quy trình này, Bộ Y tế sẽ tập trung thực hiện trách nhiệm chính là ban hành quy chuẩn kỹ thuật và hậu kiểm. Doanh nghiệp sẽ giảm được thời gian, chi phí ra Hà Nội để thực hiện thủ tục”, đại diện EuroCham chia sẻ quan điểm.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Đề nghị tách thực phẩm bổ sung ra khỏi nhóm thực phẩm có nguy cơ cao.
.
.
 
- Ông Phí Ngọc Chung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Thành (Hà Nội)

Tôi đồng ý với việc doanh nghiệp được tự công bố đối với sản phẩm thông thường; trong vòng 7 ngày, nếu cơ quan tiếp nhận không có ý kiến gì, thì sẽ được sản xuất, kinh doanh.

Trong nhóm thực phẩm chức năng, tôi đề nghị tách sản phẩm bổ sung ra khỏi nhóm thực phẩm nguy cơ cao, không cần thực hiện quy trình thẩm định hồ sơ để có công văn cho phép lưu thông. Chúng tôi sản xuất nước tương, nước mắm, nếu cho thêm một chút i-ốt thì lại bị coi là thực phẩm chức năng và phải tuân thủ quy trình phức tạp. Nếu cần, có thể xác định bổ sung bao nhiêu thì phải kiểm soát, bao nhiêu để được coi là sản phẩm thông thường.

Yêu cầu thư ủy quyền của nhà sản xuất cho nhà nhập khẩu có thể tạo sự độc quyền.
.
.
 
- Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

Thủ tục công bố hợp quy với sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe tới 30 ngày có dài quá không, bởi với các sản phẩm đã có quy chuẩn thì chỉ cần 7 ngày?

Trong dự thảo, hồ sơ công bố có thư ủy quyền của nhà sản xuất cho nhà nhập khẩu. Tôi đề nghị cân nhắc vì yêu cầu này rất có thể tạo sự độc quyền của nhà sản xuất. Nhiều nước đã cho phép nhập khẩu song song, để tránh tình trạng nhà sản xuất chỉ cấp ủy quyền cho đại lý của mình, tạo độc quyền trên thị trường.

Thiết kế thêm điều cấm các cơ quan tiếp nhận yêu cầu các nội dung ngoài hồ sơ.
.
.
 
- Luật sư Trần Ngọc Hân, đại diện Ban Thực phẩm và Đồ uống của AmCham

Kiến nghị thiết kế thêm điều cấm các cơ quan tiếp nhận yêu cầu các nội dung ngoài hồ sơ, chỉ được đề nghị bổ sung một lần, như cách mà Luật Doanh nghiệp đang quy định với hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Doanh nghiệp cần biết chắc chắn thời gian hoàn tất thủ tục công bố để chủ động sản xuất, kinh doanh.
Khánh An