Doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông muốn sửa đổi thủ tục chứng nhận và công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Thủ tục chứng nhận hợp quy phức tạp
Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 30/2011/TT-BTTT ngày 31/20/2011 quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Đây là lý do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp trong ngành đề xuất đơn giản hóa thủ tục chứng nhận và công bố hợp quy.
“Quy trình này là quá phức tạp, mất nhiều thời gian, không cần thiết và gây cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời có thể tạo điều kiện cho tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực”, VCCI gửi ý kiến tới Cục Viễn thông và cho biết ý kiến được tập hợp trên cơ sở tham khảo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành.
Theo quy định tại Thông tư 30, thủ tục chứng nhận hợp quy phải qua các bước như sau.
Đầu tiên, doanh nghiệp phải mang sản phẩm đến đơn vị đo kiểm do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định hoặc thừa nhận để thực hiện việc đo kiểm. Kết quả đo kiểm chỉ có giá trị trong 2 năm.
Tiếp đó, doanh nghiệp phải mang kết quả đo kiểm đến Tổ chức chứng nhận hợp quy để xin cấp Giấy chứng nhận hợp quy. Tổ chức chứng nhận hợp quy này là một đơn vị sự nghiệp được Bộ Thông tin và Truyền thông giao trách nhiệm.
Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị trong 3 năm. Hết 3 năm doanh nghiệp phải thực hiện lại toàn bộ thủ tục trên.
Sau khi có Giấy chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp phải làm thủ tục công bố hợp quy tại Cục Viễn thông và phải được cấp Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy.
Khó khăn ở đây là tổ chức chứng nhận hợp quy trong Thông tư 30 chỉ là một tổ chức được Bộ Thông tin và Truyền thông giao trách nhiệm.
Theo phân tích của VCCI, điều này trái với tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định 107/2016/NĐ-CP về dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Theo các văn bản này, chứng nhận hợp quy là một dịch vụ được cung cấp bởi tất cả các doanh nghiệp, tổ chức đáp ứng đủ điều kiện mà pháp luật quy định. Việc Thông tư 30 quy định chỉ có một tổ chức chứng nhận sự phù hợp đã tạo cơ chế độc quyền cho việc cung cấp dịch vụ này.
Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua khi làm việc với các bộ ngành đã có nhiều ý kiến về việc tránh tạo độc quyền trong cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
Thêm nữa, theo quy định này, việc đo kiểm sản phẩm do doanh nghiệp và đơn vị đo kiểm thực hiện. Tổ chức chứng nhận hợp quy không thực hiện việc đo kiểm, mà chỉ so sánh kết quả đo kiểm với quy chuẩn kỹ thuật và cấp Giấy chứng nhận.
Việc so sánh kết quả đo kiểm với quy chuẩn kỹ thuật là việc tương đối đơn giản và rất khó để có sai sót hoặc gian lận. Do đó, việc yêu cầu doanh nghiệp phải làm hai thủ tục (đo kiểm và chứng nhận) tại hai tổ chức khác nhau là không cần thiết.
Thứ ba, việc quy định thời hạn của Giấy chứng nhận hợp quy là không cần thiết. Toàn bộ các hàng hoá phải chứng nhận hợp quy đều là các thiết bị điện tử, được sản xuất hàng loạt theo từng kiểu loại (model) với thiết kế xác định. Nguy cơ hàng hoá bị suy giảm chất lượng hay sai khác so với thiết kế ban đầu sau 3 năm sản xuất là không đáng kể. Nguy cơ này hoàn toàn có thể tránh được thông qua biện pháp hậu kiểm sản phẩm đã lưu thông mà không cần thiết phải tiền kiểm bằng quy định về thời hạn giấy phép.
VCCI đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định, thừa nhận, công nhận nhiều doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng đủ điều kiện tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP.
Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá có thể mang sản phẩm của mình đến bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận sự phù hợp nào đã được chỉ định, thừa nhận, công nhận để xin cấp Giấy chứng nhận hợp quy.
Doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận sự phù hợp chịu trách nhiệm đo kiểm, so sánh kết quả đo kiểm với quy chuẩn kỹ thuật và cấp Giấy chứng nhận hợp quy. Doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận sự phù hợp này sẽ gửi hồ sơ thông báo công bố hợp quy đến Cục Viễn thông.
Giấy chứng nhận hợp quy đối với mỗi mẫu sản phẩm có giá trị vĩnh viễn.
Có cần thủ tục công bố hợp quy?
Thủ tục công bố hợp quy cũng là nội dung được các doan nghiệp đề nghị thay đổi. Theo quy định tại Điều 16 của Thông tư 30, thủ tục tự công bố hợp quy vẫn phải được Cục Viễn thông “có Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy”.
Quy định này không phù hợp với tinh thần của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, gây rủi ro cho doanh nghiệp và tạo cơ hội tham nhũng, tiêu cực. Thông tư 30 không quy định thời hạn có giá trị của Thông báo tiếp nhận nhận Bản công bố hợp quy, nhưng Điều 16.3 của Dự thảo lại quy định Thông báo này chỉ có giá trị 3 năm. Quy định này đi ngược lại tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
Theo nguyên tắc, doanh nghiệp được quyền tự công bố hợp quy đối với sản phẩm của mình mà không cần bất kỳ một sự chấp thuận mang tính tiền kiểm nào từ phía Nhà nước. Toàn bộ việc kiểm soát của Nhà nước đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố hợp quy được thực hiện thông qua cơ chế hậu kiểm.
Do đó, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ toàn bộ nội dung liên quan đến việc cơ quan nhà nước Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy.
Những thay đổi này đã có tiền lệ. Trước đây, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm cũng có quy định về Giấy tiếp nhận bản công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc gỡ bỏ rào cản kinh doanh, Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38 đã bãi bỏ quy định này. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước qua đường bưu điện hoặc trực tiếp.
Ngay sau khi tự công bố thì doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh mà không cần chờ bất kỳ một sự chấp thuận nào từ phía Nhà nước. Quy định này đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và được Chính phủ coi là điểm nhấn về cải cách thể chế trong năm 2018