0908.326.779 - 0906.362.707
 

DN thủy sản "bắt được vàng" vì một quy định kiểm tra chuyên ngành được bãi bỏ

29/12/2016    4.6/5 trong 5 lượt 
DN thủy sản "bắt được vàng" vì một quy định kiểm tra chuyên ngành được bãi bỏ
Các doanh nghiệp thủy sản bày tỏ vui mừng và cho rằng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sẽ thuận lợi hơn rất nhiều vì đã được miễn kiểm tra An toàn thực phẩm (ATTP)…
Mới đây, trong Nghị quyết số 103/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho phép miễn kiểm tra Nhà nước về ATTP, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định ATTP, miễn ghi nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Quyết định này đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vui mừng.
 
Bà Lê Thị Diệu Thi – Trưởng phòng Kỹ thuật Vinh Hoan Corp cho biết, đây thực sự là một tin vui đối với doanh nghiệp Vinh Hoan Corp nói riêng và doanh nghiệp thủy sản nói chung. Công ty cảm ơn Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã cùng đồng hành với doanh nghiệp và nhóm Vận động chính sách của VASEP đã nỗ lực hết mình trong thời gian vừa qua để có được kết quả này.
 
Theo bà Thi trước đây thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP đối với hàng nhập khẩu để SXXK (bao gồm cả nguyên liệu chế biến, phụ gia thực phẩm, gia vị, bao bì…) để SXXK, không tiêu thụ trong nước vẫn phải công bố hợp chuẩn, hợp quy. Thực tế, thủ tục này làm tốn kém rất nhiều thời gian, gây phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vì, hồ sơ công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP phải thực hiện tại Cục ATTP tại Hà Nội chứ không được phép làm tại các Chi cục ATTP thuộc Sở Y Tế tại địa phương.
 
Theo quy định và theo hướng dẫn hiện hành thì hồ sơ công bố phải tuân thủ Nghị định 38/2012/NÐ-CP về việc công bố phù hợp ATTP. Nhưng nếu làm theo quy định này thì đây là hàng nhập để gia công, sản xuất xuất khẩu chứ không phải để tiêu thụ trong nước nên không làm hồ sơ được. Thực tế hàng nhập để SXXK và gia công chỉ làm bảng kê khai chi tiết về chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, cảm quan.
 
Về hồ sơ làm giấy phép, theo quy định phải có kết quả kiểm nghiệm bản gốc về chỉ tiêu cảm quan, vi sinh, hóa lý của lô hàng từ khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không biết chính xác chỉ tiêu kiểm cho phù hợp và đầy đủ vì không có hướng dẫn, nếu chỉ tiêu kiểm không đủ hồ sơ bị trả về và doanh nghiệp lại yêu cầu khách kiểm bổ sung rồi gửi bản gốc về Việt Nam để nộp hồ sơ lại…
 
Các thủ tục này gây mất rất nhiều thời gian và chi phí. Ðể hoàn thành thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP doanh nghiệp phải mất thời gian (thường là khoảng 1 tháng) với nhiều loại giấy tờ kèm theo và phát sinh các chi phí lưu kho, lưu bãi, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp do kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, giao hàng không đúng tiến độ yêu cầu của khách hàng.
 
Còn ông Võ Hùng Phong, Công ty Havico thì cho rằng, Nghị quyết số 103/NQ-CP là món quà quý nhất dành cho các doanh nghiệp trong năm 2016. Động thái này của Chính phủ đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, gia công thực phẩm xuất khẩu của ngành.
 
“Tôi trân trọng cảm ơn Chính phủ, VASEP và các doanh nghiệp trong mạng lưới Vận động chính sách của VASEP đã cùng đồng hành để tạo nên thành công nàynói riêng và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản nói chung vì việc ghi nhãn và dán nhãn phụ trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu để SXXK (bao gồm cả nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, gia vị) cũng là vấn đề cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản”.
 
Theo ông Phong, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã bị Ðoàn kiểm tra Quản lý thị truờng xử phạt với lý do nguyên liệu thủy sản nhập khẩu (để chế biến xuất khẩu) lưu tại kho chỉ có nhãn tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt.
 
Tuy nhiên, đa số DN thủy sản nhập nguyên liệu thủy sản để SXXK hoặc nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng XK (không lưu thông hay tiêu thụ trong nuớc), nên không thể có được nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Yêu cầu ghi nhãn phụ tiếng Việt chỉ áp dụng cho sản phẩm được đưa ra lưu thông ở thị trường trong nuớc còn hàng hóa dùng để chế biến hàng XK, không lưu thông trong nước (bao gồm cả nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, gia vị) thì không phải ghi nhãn phụ tiếng Việt.
 
Các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, vướng mắc, cản trở hoạt động XNK thủy sản được tháo gỡ, chắc chắn xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Lê Thu