Nhiều bộ cam kết giảm tối đa các điều kiện kinh doanh bất hợp lý để giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP, yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện hành và thủ tục hành chính gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Gắn với cải cách thủ tục hành chính
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định quyết tâm cắt giảm các ĐKKD theo nguyên tắc đã được nêu tại Quyết định 3610A mới ban hành. Đó là chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các ĐKKD; xây dựng, thực hiện ĐKKD phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng điểm quan trọng là phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thể chế, thủ tục hành chính. "Qua rà soát thấy có sự trùng lặp ĐKKD từ Bảng tổng hợp toàn bộ các lĩnh vực đến Phụ lục riêng của từng lĩnh vực. Do đó, quan điểm của bộ là bãi bỏ các ĐKKD này, rà soát, xử lý lại những điểm trùng lặp" - đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cũng khẳng định đang cơ cấu lại các cục, vụ thuộc tổng cục theo kế hoạch của Nghị quyết 39 về sắp xếp, tinh giản biên chế. Việc sắp xếp, thu gọn lại đầu mối cũng gắn với cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và nhằm hiện thực hóa các chủ trương lớn của bộ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn cho hay bộ đang có 33 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 290 ĐKKD. Theo kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), lĩnh vực NN-PTNT sẽ sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ 142 ĐKKD. Cũng theo Bộ KH-ĐT, 7 ngành nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp cần điều chỉnh.
"Sang tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị để triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ đã và đang chỉ đạo các cơ quan trực thuộc chủ động rà soát các ĐKKD thuộc phạm vi quản lý, làm một cách nghiêm túc để sớm đề nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các ĐKKD ở mức cao nhất theo yêu cầu của Thủ tướng" - ông Tuấn khẳng định.
Ngành nông nghiệp cũng hứa sẽ đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân và doanh nghiệp (DN), thường xuyên tổ chức đối thoại để tổng hợp, đánh giá mức độ hài lòng của DN đối với công tác quản lý nhà nước trong thực thi các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ.
Giảm hàng loạt chi phí
Thiết thực nhất trong các đề xuất cắt giảm ĐKKD chính là có thể giúp DN giảm được chi phí đầu tư, chi phí tham gia thị trường… Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết từ trước đến nay, bộ vẫn chủ động cắt giảm và đề xuất cắt giảm ĐKKD không còn phù hợp. Đây là hoạt động thường xuyên của Bộ Tài chính.
Cụ thể, gần đây nhất, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo tờ trình Chính phủ và dự thảo nghị định bãi bỏ Nghị định số 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ cùng với bãi bỏ Thông tư 110/2001 hướng dẫn thi hành nghị định này. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ không còn phải đáp ứng hàng loạt điều kiện như vốn tối thiểu 2 tỉ đồng, người quản lý phải có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh… Như vậy, các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự; giao dịch giữa DN dịch vụ đòi nợ với chủ nợ, khách nợ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên theo quy định của Bộ Luật Dân sự mà không cần phải có một nghị định riêng.
Bộ Tài chính cũng vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành tiếp tục giảm chi phí khi cung cấp các dịch vụ công và đề nghị sửa đổi hàng loạt thông tư liên quan. Cụ thể, đề nghị giảm 10%-20% đối với từng mức thu phí bảo hộ giống cây lâm nghiệp; giảm 5% mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư nuôi trồng thủy sản nhập khẩu; giảm 5,66% mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm vật tư nuôi trồng thủy sản đối với đăng ký lại và gia hạn theo Thông tư 284/2016.
Đáng lưu ý, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; phí thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế, Bộ Tài chính đề nghị giảm 10%-83% mức thu hiện hành.
Nhiều bộ cùng quản thực phẩm
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cam kết sẽ cắt giảm mạnh mẽ số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan thuộc phạm vi quản lý của bộ. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành y tế cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT cùng vào cuộc gỡ bỏ các thủ tục gây khó khăn cho DN trong kiểm tra an toàn thực phẩm. Bởi lẽ, hiện nay, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm mặt hàng, Bộ NN-PTNT quản lý tới 19 nhóm mặt hàng, trong khi Bộ Y tế chỉ quản lý 6 nhóm mặt hàng.
Tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2012, Bộ Y tế đề xuất chỉ kiểm tra với một số mặt hàng thật cần thiết như sữa trẻ em, thực phẩm chức năng và phụ gia thực phẩm; đồng thời phân cấp mạnh cho các Sở Y tế để tạo thuận lợi cho DN.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sửa đổi Nghị định 38 lần này là nỗ lực của bộ trong việc "nới" các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm nhằm hỗ trợ DN. Việc sửa đổi này đã rút gọn rất nhiều thủ tục, bỏ bớt thành phần hồ sơ…
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết cơ quan này đang lấy ý kiến các DN, hiệp hội để loại bỏ những giấy phép con không còn phù hợp. Với những lô hàng trong diện phải thanh tra chuyên ngành hoặc buộc phải xét nghiệm, Bộ Y tế sẽ tiến hành theo hướng nếu 3 lần kiểm tra đạt yêu cầu về hồ sơ hoặc xét nghiệm đạt yêu cầu thì đến lần thứ 4, DN được miễn kiểm tra. Nếu thực hiện, việc này sẽ giảm được hơn 90% lô hàng thực phẩm phải kiểm tra chuyên ngành.
Giảm 50% lệ phí mở công ty
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí (từ 200.000 đồng xuống 100.000 đồng/lần) đối với thủ tục đăng ký thành lập DN; thay đổi nội dung đăng ký DN; cấp giấy chứng nhận đăng ký DN được đề nghị giảm từ 200.000 đồng xuống 100.000 đồng/lần.
Trong ngành nghề đặc thù như phòng cháy chữa cháy, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu 20%-50% đối với phí kiểm định các chất chữa cháy, vật liệu, chất chống cháy, trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân, phương tiện cứu người...
Cần Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ đã tiến hành rà soát lại các ĐKKD trong ngành giao thông. Sau khi rà soát, các đơn vị sẽ có đề xuất cụ thể để điều chỉnh, cắt giảm các ĐKKD nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Bộ đang tích cực rà soát 27 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực GTVT theo chỉ đạo.
"Tuy nhiên, chưa có kết quả bởi Bộ KH-ĐT mới chỉ nêu ra chung chung số lượng điều kiện, thủ tục cần rà soát mà không chỉ rõ ra là cần rà soát, bổ sung, sửa đổi hay bãi bỏ điều kiện nào của văn bản nào. Như vậy, Bộ GTVT sẽ phải tự rà soát những ĐKKD và hệ thống các văn bản hành chính, xem trong quá trình áp dụng thực tiễn. Nếu có phản hồi của DN, người dân rằng nó bất cập cần phải bãi bỏ hay sửa đổi, cơ quan quản lý thấy hợp lý sẽ đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ. Việc rà soát như thế này cần phải có quá trình và thời gian" - bà Nga nhận xét.