0908.326.779 - 0906.362.707
 

Đăng ký sở hữu trí tuệ: “Quyền lực” của “Người thứ ba”

27/02/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Đăng ký sở hữu trí tuệ: “Quyền lực” của “Người thứ ba”
Adidas coi biểu tượng ba sọc ngang cách điệu song song với nhau là một chỉ dẫn thương mại đặc biệt, họa tiết này là một trong những yếu tố phân biệt với các đối thủ cạnh tranh. Do vậy, hãng này luôn nỗ lực hết mình để bảo vệ sự độc quyền của mình với biểu tượng đó

Mới đây, Adidas được coi là “người thứ ba” khi hãng này đã đệ đơn lên Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) phản đối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho Tesla (một thương hiệu sản xuất ôtô đình đám trong năm 2016).

Đầu tháng 2/2017, Adidas đã nộp yêu cầu phản đối đối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu lên Cơ quan sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), theo đó Adidas đề nghị cơ quan này không cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho Tesla (một nhà sản xuất xe ôtô). Nhãn hiệu mà Adidas phản đối là biểu tượng ba đường kẻ sọc ngang được cách điệu.

Theo lập luận của Adidas, việc đăng ký biểu tượng ba sọc ngang cho các sản phẩm quần áo và các sản phẩm thời trang, phụ kiện thời trang (cũng thuộc nhóm 25 trong phân loại quốc tế) của Tesla sẽ gây ra khả năng nhầm lẫn của người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, làm loãng tính phân biệt của nhãn hiệu.

Để chứng minh biểu tượng ba sọc ngang là đặc điểm riêng có của mình Adias đã đưa ra các bằng chứng chứng minh nó đã được sử dụng từ năm 1952 trên nhiều loại sản phẩm, được sử dụng rộng rãi trên các ấn phẩm quảng cáo và các sự kiện thể thao được phát sóng.

Ảnh minh họa: trích từ trong yêu cầu phản đối của Adidas.

Ngày 17/2/2017, vẫn trong cuộc chiến bảo vệ biểu tượng ba sọc ngang song song được cách điệu, Adidas trở thành “người thứ hai” trực tiếp đối đầu với Puma khi hãng này quyết định đệ đơn đến Tòa án thành phố Portland, tiểu bang Oregon cáo buộc Puma đã sử dụng biểu tượng 4 đường kẻ xéo trên một mặt giầy.

Theo Adidas, Puma không chỉ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà còn có chung lịch sử với mình. Adidas và Puma được sáng lập bởi hai anh em Adi Dassler và Rudolph Dassler, cả hai công ty đều có trụ sở chính và vẫn còn địa chỉ tại cùng một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Đức.

Việc sử dụng 4 đường kẻ xéo song song với nhau trên sản phẩm giày của Puma khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm có cùng nguồn gốc và do vậy việc lưu hành sản phẩm với kiểu dáng 4 đường kẻ sọc song song của Puma là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật và có nguy cơ gây tổn hại đến thương hiệu của Adidas.

Biểu tượng hình ba sọc ngang được Adidas sử dụng rộng rãi.

Việc một đơn đăng ký Nhãn hiệu đang được thẩm định khả năng cấp Văn bằng bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền mà bị phản đối bởi bên thứ ba hầu hết đều được pháp luật các quốc gia thừa nhận.

Tại Việt Nam, Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rất rõ ràng về “quyền lực” của người thứ ba. Theo đó “Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp Văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.”

Sản phẩm của Puma bị Adidas cáo buộc xâm phạm quyền sở hữu đối với Nhãn hiệu của mình.

Với quy định này, một số đơn vị đã sử dụng “quyền lực” của mình rất hiệu quả. Điển hình là vụ họa sỹ Lưu Mạnh Tiến đã phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn tiếp thị quảng cáo Kim Cương (đơn vị sản xuất chương trình Hát cùng siêu chíp được phát sóng trên VTV2).

Tiếp nhận phản đối từ họa sỹ Lưu Mạnh Tiến, Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối cấp Văn bằng bảo hộ cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn tiếp thị quảng cáo Kim Cương đăng ký nhãn hiệu là biểu tượng hình con gà.

Tất nhiên, để được chấp thuận, “người thứ ba” (người phản đối) phải đưa ra được những lập luận xác đáng chứng minh được nhãn hiệu đăng ký không có khả năng bảo hộ, có thể trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình, việc sử dụng dấu hiệu như vậy là hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc các lý do khác không đảm bảo khả năng đăng ký theo quy định của pháp luật.

Sử dụng “quyền lực” của người thứ ba của Adidas cũng đã có hiệu quả nhất định khi ngày 8/2 Tesla đã rút đơn đăng ký Nhãn hiệu gây tranh cãi này./.

VietnamPlus