Trên thế giới hiện đã có rất nhiều hãng lớn phát triển dòng sản phẩm thay thế thịt, tại Việt Nam ngoài xu hướng ăn thuần chay thì xu hướng giảm ăn thịt động vật, dùng đạm thực vật thay thế đang trở nên phổ biến hơn, đây chính là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp chay và thịt thay thế
Thông tin được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại buổi Tọa đàm “Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế”, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lưọng cao (DN HVNCLC) tổ chức ngày 1/3.
|
Nhiều nội dung liên quan và xung quanh chủ đề “Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế”, được các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Nhiều nội dung liên quan và xung quanh chủ đề “Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế” được các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm như: thông tin thị trường, nhu cầu về thị trường, xu hướng tiêu dùng, lợi thế cạnh tranh, công nghệ thực phẩm, công nghệ chế biến…
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN HVNCLC - cho biết, theo báo cáo nghiên cứu thị trường, cứ 100 người ăn chay thì có 65 người là phụ nữ. Đây chắc chắn là thông tin rất quan trọng, vì trong gia đình, người phụ nữ thường là người quyết định bếp ăn và chi tiêu nội trợ.
Ở góc độ người nghiên cứu thị trường, bà Kim Hạnh cho rằng, xu hướng ăn chay của người tiêu dùng hiện nay chính là một cơ hội cho thực phẩm chay của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có nền nông nghiệp nhiệt đới và sự đa dạng trong chế biến thực phẩm chay khiến chúng ta có rất nhiều cơ hội để đáp ứng nhu cầu ăn chay đang ngày càng cao. Đây chính là cơ hội cho thị trường, cho các nhà sản xuất, chế biến thị trường sản phẩm chay và cũng là cơ hội lớn cho thực phẩm chay của Việt Nam. Mặt khác, việc phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm chay sẽ giúp tiêu thụ nông sản tốt thay vì nhiều đợt kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ như thời gian qua.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - thông tin thêm, trên thế giới hiện đã có rất nhiều hãng lớn phát triển dòng sản phẩm thay thế thịt. Thịt thay thế bằng rất nhiều thứ khác nhau, từ thực vật, hệ vi sinh... do đó chúng ta làm các sản phẩm thay thế từ trong nước là rất ổn, nhưng phải hiểu nhu cầu thị trường, các xu thế đang thịnh hành trên thế giới, sau đó tìm kiếm các sản phẩm khác để tập thói quen cho thị trường, người tiêu dùng.
PGS. TS. Đàm Sao Mai lưu ý với các nhà sản xuất chế biến, thực phẩm chay hay thịt thay thế thì không chỉ mùi vị giống mà hàm lượng dinh dưỡng phải tương đương. Đây là điều hết sức quan trọng. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm thay thế thịt, sản phẩm chay thì tất cả các khâu đều phải đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn từ nguyên liệu đầu vào, nuôi trồng, thu hoạch, cho đến quá trình chế biến, nhà xưởng và con người…
“Tại Việt Nam, ngoài xu hướng ăn thuần chay thì xu hướng giảm ăn thịt động vật, dùng đạm thực vật thay thế cũng là cơ hội để phát triển ngành thịt thay thế” – PGS. TS. Đàm Sao Mai nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất các dòng sản phẩm truyền thống, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) - cho biết, thị trường ăn chay là rất lớn, hiện công ty đang cung ứng 2 dòng sản phẩm trên thị trường: chay thực vật và thuần chay, các sản phẩm của công ty vẫn làm thủ công là chủ yếu. Đồng thời khẳng định, Sông Hương Foods đang dịch chuyển sản phẩm sang dòng chay.
Theo Tổng giám đốc Sông Hương Foods, hiện sản phẩm của công ty không đáp ứng hết nhu cầu trong nước, nhưng công ty định hướng xuất khẩu một lượng hàng nhỏ sang Nhật Bản. “Sông Hương Foods đang xúc tiến xây dựng nhà máy mới tại An Giang với tổng vốn đầu tư 65 tỷ đồng, công suất gần 2.000 tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2022. Khi đó, công ty sẽ có đủ nguồn hàng cung cấp cho nội địa và xuất khẩu” - Tổng giám đốc Sông Hương Foods cho biết thêm