0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bỏ tiền kiểm thực phẩm, Bộ Y tế lo ‘thả ga ra đuổi’

11/08/2017    4.67/5 trong 6 lượt 
Bỏ tiền kiểm thực phẩm, Bộ Y tế lo ‘thả ga ra đuổi’
Nhiều DN kiến nghị chỉ hậu kiểm an toàn thực phẩm (ATTP) như nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng nếu “thả” tiền kiểm thì không khác gì “thả gà ra đuổi”.

Bộ Y tế vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết một số điều của luật ATTP.

Để tạo điều kiện cho DN, dự thảo đã đề xuất bỏ nhiều quy định lạc hậu như cho phép không cần phải đăng ký lại khi thay đổi quy cách bao gói; không phải kiểm tra chuyên ngành hàng miễn thuế...

Tuy nhiên, mới đây Hiệp hội chế biến thủy sản (VASEP) và Phòng thương mại công nghiệp Mỹ (Amcharm) kiến nghị Bộ Y tế bỏ thêm quy định đăng ký công bố chất lượng, ATTP trước khi lưu thông ra thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu... đang làm.

an toàn thực phẩm, tiền kiểm, hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm
Bà Trần Việt Nga cho rằng thời điểm này Việt Nam chưa thể bỏ tiền kiểm

Trước đề xuất này, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục ATTP nói rõ, quan điểm của Bộ Y tế là với điều kiện của nước ta hiện nay, chưa thể bỏ công bố chất lượng sản phẩm, tức hình thức tiền kiểm.

Có thể tiêu thụ hết mà chưa kịp kiểm tra

Bà Nga cho biết, hiện trên thế giới không có mô hình quản lý ATTP chung, các nước phát triển áp dụng hậu kiểm, Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á (ngoại trừ Singapore) vẫn duy trì song song tiền kiểm và hậu kiểm.

Theo đó, để kiểm soát chất lượng ATTP, bắt buộc các doanh nghiệp phải nộp đủ hồ sơ bao gồm giấy phép kinh doanh, phiếu kiểm nghiệm sản phẩm, nhãn sản phẩm... để cơ quan nhà nước kiểm tra, đối chiếu từng danh mục xem có đủ điều kiện hay không (tiền kiểm).

Trong quá trình kinh doanh, lưu thông, cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm để giám sát chất lượng (hậu kiểm).

Theo bà Nga, nếu dồn hết hậu kiểm cần lực lượng thanh tra rất hùng hậu. Ngay Nhật Bản có tới 12.000 người, còn tại Việt Nam, lực lượng thanh tra cả ngành y tế chưa tới 400 người nên không đủ lực.

an toàn thực phẩm, tiền kiểm, hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm

Thanh tra Bộ Y tế giám sát quá trình tiêu huỷ lô C2, Rồng đỏ nhiễm trì tháng 6/2016. Đến nay, đây là vụ việc có số tiền xử phạt kỷ lục, gần 6 tỷ đồng

“Với lực lượng mỏng như này, cơ quan chức năng chưa kịp hậu kiểm thì thực phẩm nguy hại có thể đã được tiêu thụ hết rồi”, bà Nga băn khoăn.

Thứ hai, mô hình sản xuất của Việt Nam đa phần là sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình theo kinh nghiệm, tự phát mà không có hệ thống kiểm soát chất lượng, không nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm xem có phù hợp với các quy chuẩn hay không...

Có trường hợp mang hồ sơ đến tiền kiểm nộp cả phiếu kiểm nghiệm chưa đạt chuẩn mà không hề hay biết.

Thứ 3, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về ATTP chưa cao. Tâm lý tiểu nông thấy có lợi là làm, biết độc hại nhưng vẫn bán ra thị trường, như bơm tạp chất vào tôm, câu chuyện 2 luống rau, 2 chuồng lợn... rất phổ biến.

Bà Nga phân tích, ngay các mặt hàng hoá nhóm 2 có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, động vật, môi trường như dược mỹ phẩm, hoá chất trị côn trùng, thức ăn chăn nuôi, phân bón... đều được quản lý tiền kiểm bằng các quy chuẩn, quy định, phải có giấy xác nhận của cơ quan nhà nước mới được lưu hành.

“Trong khi đó thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người mà thả không tiền kiểm, thì không khác gì ‘thả gà ra đuổi”, bà Nga ví von.

Rất ít doanh nghiệp đủ hồ sơ hợp lệ

Trong cuộc đối thoại với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, đại diện VASEP phàn nàn, quy định thủ tục cấp giấy tờ trong Nghị định 38 là 15 ngày sẽ có thông báo, nhưng thực tế sát hạn khi lên hỏi mới được thông báo hồ sơ không đạt, làm lại từ đầu.

VASEP kiến nghị sửa Nghị định 38 xuống còn 3 ngày và quy định làm sao để quá trình thực thi không có tắc nghẽn.

Giải thích, bà Nga cho biết, luật quy định 15 ngày vì cần phải có thời gian thẩm định, kiểm tra, đối chiếu, so sánh. Trong khoảng thời gian này, nếu doanh nghiệp nào chuẩn bị hồ sơ tốt thì 100% được trả trước hạn. Tuy nhiên số DN này rất ít.

Còn lại, hồ sơ bị thiếu, sai, yêu cầu bổ sung A lại thêm B. Tuy nhiên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Cục ATTP đã yêu cầu chuyên viên khi tiếp nhận hồ sơ phải xem kỹ, chỉ được yêu cầu bổ sung 1 lần, không được ra công văn lần 2

Thúy Hạnh