Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng bỏ quy định bắt buộc đăng ký công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật
Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ và tạo môi trường kinh doanh thân thiện cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Khoản 3, Điều 3 của Luật An toàn thực phẩm quy định “Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng”. Do đó, tại Điều 3 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có quy định sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, phù hợp với xu thế quản lý bởi các quy định khi chưa có các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng để bảo đảm an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Mặt khác, thực phẩm là một mặt hàng đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người và ảnh hưởng đến giống nòi, trong đó thực phẩm dinh dưỡng với mục đích dành cho trẻ em và những đối tượng nhạy cảm cần phải quản lý chặt chẽ tránh tình trạng lạm dụng, dùng sai mục đích gây tổn hại cho sức khỏe cộng đồng và mang lại gánh nặng cho kinh tế xã hội.
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 52/2015/TT-BYT quy định việc kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế thay thế Quyết định số 23/2007/QĐ-BYT, trong đó quy định rõ thời gian kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu: 6 ngày làm việc đối với mặt hàng thuộc diện kiểm tra thông thường, 8 ngày làm việc đối với các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chặt; có quy định về phương thức giảm kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu đạt yêu cầu nhập khẩu sau 3 lần kiểm tra liên tiếp các ngày khác nhau trong vòng 12 tháng theo phương thức kiểm tra thông thường đồng thời đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra.
Như vậy, việc kiểm tra Nhà nước đã được quy định giảm bớt số lần kiểm tra từ 5 lần xuống còn 3 lần, riêng phương thức kiểm tra thường chỉ yêu cầu kiểm tra cảm quan và ghi nhãn là chính do đó thời gian kiểm tra chuyên ngành giảm đáng kể.
Bộ Y tế cũng đã triển khai dịch vụ công cấp độ 4 trong việc cấp giấy xác nhận công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm bao gói sẵn và được công khai trên Website của Cục An toàn thực phẩm và Cổng thông tin một cửa quốc gia, đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp