0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nghị định 38/2012/NĐ-CP: Chính phủ yêu cầu sửa đổi không chậm trễ

19/07/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Nghị định 38/2012/NĐ-CP: Chính phủ yêu cầu sửa đổi không chậm trễ
Thủ tục xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm (ATTP) trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) và hàng loạt các hiệp hội trong và ngoài nước có ý kiến phản đối.

Mới đây, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cùng có ý kiến chỉ đạo cần phải sửa đổi, không gây phiền hà cho DN.

Nghị định 38/2012/NĐ-CP: Chính phủ yêu cầu sửa đổi không chậm trễ - ảnh 1Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Thủ tục Công bố phù hợp quy định ATTP, theo đó phải giảm thời gian giải quyết, quán triệt tinh thần “hậu kiểm” không gây phiền hà cho DN

Doanh nghiệp kêu khó

Mới đây, hàng loạt DN và hiệp hội trong và ngoài nước như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Chè Việt Nam (Vinatea), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội DN Mỹ (Amcham), Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) đã có thư kiến nghị lên Chính phủ yêu cầu sửa đổi các quy định trong Nghị định 38 vì đã tạo một giấy phép con gây phiền hà, tốn kém cho DN mà không giúp ích gì cho ATTP.

Cụ thể, chia sẻ với phóng viên về những vướng mắc các DN gặp phải khi triển khai Nghị định 38, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký VASEP cho hay, bất cập lớn nhất, gây khó nhất cho DN tại Nghị định 38 là thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP.

Đơn cử, công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó. Tuy nhiên, theo Nghị định 38, để được cấp chứng nhận hợp quy và phù hợp với quy định về ATTP, DN phải gửi mẫu sản phẩm đến các phòng kiểm nghiệm được chỉ định nhằm kiểm nghiệm sản phẩm đạt chất lượng. Sau đó, DN công bố chất lượng sản phẩm. Tiếp theo, DN xin xác nhận công bố phù hợp ATTP bằng cách nộp hồ sơ cho Cục ATTP – Bộ Y tế về kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng và một số giấy tờ khác. Cục ATTP thẩm xét giấy tờ, rồi cấp giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP. Cuối cùng, ở khâu hậu kiểm, cơ quan quản lý đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.

Ở khâu xin xác nhận công bố phù hợp ATTP, thời gian quy định là 1,5 tháng (đối với thực phẩm bổ sung). Tuy nhiên, thực tế, phần lớn thời gian kéo dài hơn, thậm chí nhiều trường hợp lên đến 3-6 tháng. Do đó, theo các hiệp hội, việc chờ đợi để được cấp “giấy xác nhận” thay vì công bố đang có tính chất tạo thêm một “giấy phép con” cho các tổ chức, cá nhân, đi ngược lại tinh thần giảm bớt quy định và thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Chính phủ yêu cầu sửa đổi

Với những kiến nghị của DN, mới đây, trong cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: “Về sửa đổi quy định công bố hợp quy, hợp chuẩn, yêu cầu phải giảm thời gian giải quyết, quán triệt tinh thần “hậu kiểm” không gây phiền hà cho DN, quy định rõ các bước thực hiện để DN có thể làm được ngay”.

Bên cạnh đó, chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu: “Các Bộ liên quan, chủ yếu là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; áp dụng biện pháp công nhận lẫn nhau về quy trình sản xuất, truy xuất sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để hạn chế kiểm tra, tăng cường hậu kiểm; giao cho DN tự công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu...”.

Trước đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến vấn đề này. Trong Nghị quyết 19/2017 ngày 6/2/2017 của Chính phủ đã chỉ đạo: “Rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục, không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia”. Ngày 13/5/2017, tại đối thoại giữa các Bộ, ngành với VASEP do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng Bộ Y tế - Trương Quốc Cường - đã khẳng định, kiến nghị của VASEP về bãi bỏ và thay thế công bố phù hợp ATTP là hợp lý và Bộ Y tế sẽ sửa đổi các văn bản liên quan trong 2 tháng. Tuy nhiên, đến nay, sau 2 tháng vẫn chưa có động thái tích cực nào từ Bộ Y tế.

Theo VASEP, thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP đã tạo gánh nặng cho DN như một giấy phép con gây phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm… Cộng đồng DN mong rằng, với chỉ đạo mới nhất của cả 2 Phó Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ sớm bãi bỏ và thay thế thủ tục xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP trong Nghị định 38

VietQ.vn