Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có Công văn số 5333/BNN-QLCL, ban hành ngày 28/6/2017 gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố về việc quản lý sản xuất, kinh doanh nước mắm
Trước đó, thực hiện Kế hoạch năm cao điểm thanh, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017, tháng 3/2017, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất đối với một số cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh nước mắm tại một số tỉnh: Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh.
Kết quả lấy mẫu phân tích một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm như: kim loại nặng, thuốc trừ sâu, vi sinh vật gây bệnh cho thấy đáp ứng các quy định hiện hành đối với cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống và công nghiệp. Tuy vậy, qua thanh tra phát hiện một số vấn đề tồn tại sau:
Đa số các cơ sở được thanh tra sản xuất theo phương pháp truyền thống (ủ chượp) có tính chất nhỏ lẻ. Do vậy, tại thời điểm thanh tra, các cơ sở còn nhiều sai lỗi về điều kiện vệ sinh nhà xưởng (khu vực sản xuất còn nhiều bụi bẩn, ẩm mốc), một số cơ sở chưa tuân thủ yêu cầu về thực hành sản xuất và thao tác vệ sinh (tiến hành san chiết nước mắm trực tiếp trên nền nhà xưởng, không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của động vật gây hại, bảo hộ lao động không đảm bảo vệ sinh).
Một số cơ sở nhỏ lẻ chưa tuân thủ quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, như: Thiếu thông tin về địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu chất lượng phải công bố trên nhãn,...
Về chất lượng sản phẩm: Hàm lượng đạm tổng số trong nước mắm ở một số cơ sở không đạt so với hàm lượng công bố trên nhãn sản phẩm.
Từ thực trạng trên, để làm tốt công tác quản lý nhà nước, đồng thời chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh nước mắm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức ra soát, thống kê và kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh nước mắm trên địa bàn; kịp thời xử lý các vi phạm, đặc biệt là vi phạm về chỉ tiêu chất lượng theo quy định hiện hành.
Tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm để chấn chỉnh đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm; lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các chỉ tiêu: Đạm tổng số, vi sinh vật, kim loại nặng và phụ gia (nếu có) theo quy định hiện hành.
Đề xuất, kiến nghị Bộ những bất cập trong quản lý, trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh nước mắm được tốt hơn, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.