Theo Vasep và các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực kinh doanh
thủy sản, Nghị định 38 đang “tạo gánh nặng cho DN về thời gian, tiền bạc, tâm trí, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”.
Vẽ rắn thêm chân
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Vasep - cho rằng: Một số quy định tại Nghị định 38 đã lạc hậu, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, các mặt hàng thủy sản Việt Nam đã và đang xuất khẩu (XK) sang hơn 160 thị trường trên thế giới, nhưng chưa có quốc gia nào yêu cầu làm thủ tục
công bố hợp quy hay công bố phù hợp
ATTP như quy định tại Nghị định 38.
Họ chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước dựa trên 2 hoạt động chính: Kiểm tra điều kiện sản xuất và kiểm soát rủi ro theo từng loại sản phẩm, vùng, miền, thời gian cụ thể theo quy định của pháp luật. Xu hướng trong quản lý ATTP của thế giới hiện nay là tập trung hướng đến kiểm soát quá trình là chính. Việc kiểm tra thành phẩm cuối cùng là hoạt động tự giám sát chất lượng của DN, cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành thẩm tra, kiểm soát rủi ro, không phải ”cào bằng” để kiểm tra tất cả các loại thực phẩm trên tất cả các chỉ tiêu, không tính đến kiểm soát rủi ro như việc cấp giấy xác nhận
phù hợp quy định ATTP ở Việt Nam hiện nay.
Việc thực hiện công bố hợp quy là không cần thiết đối với với các sản phẩm đã qua
chế biến bao gói sẵn đối với tất cả những nước mà hiện tại Việt Nam đã ký kết FTA hoặc đã có những sự công nhận các giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc chứng thư ATTP. Đặc biệt, đối với các hàng hóa từ các nước có mức độ ATTP cao như EU, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada và Nhật Bản… Thủ tục này đã không còn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nghị định 38 yêu cầu DN phải gửi mẫu đi
kiểm nghiệm định kỳ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền 2 lần/năm, đối với cơ sở có chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GMP,
HACCP,
ISO 22000) là 1 lần/năm, kể cả các mặt hàng
nhập khẩu (NK) đã được kiểm tra nhà nước khi NK. Quy định này gây tốn kém cho DN nhưng không thay thế được hậu kiểm và không đảm bảo tính khách quan. Điểm mấu chốt là yêu cầu này trái với Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn Kỹ thuật, trái với thông lệ quốc tế. Không có nước nào yêu cầu DN tự gửi mẫu định kỳ, mà chỉ có yêu cầu các DN tự xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, khuyến khích áp dụng các
hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Tại văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ngày 27.6, Vasep cũng nêu nhiều điểm bất hợp lý tại Nghị định 38, trong đó có một số quy định kiểu “vẽ rắn thêm chân” bởi các quy định này không có trong Luật ATTP như quy định “Xác nhận phù hợp ATTP”; hình thức “tiếp nhận bản công bố hợp quy” thực chất đang bị biến hành quá trình tiếp nhận - thẩm xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận không khác gì một loại hình biến tướng của “giấy phép con”. “Những “giấy phép con” kiểu này đã khiến các DN mất nhiều cơ hội làm ăn bởi bị kéo dài hàng tháng, thậm chí 3-4 tháng” - ông Nguyễn Hoài Nam bức xúc.
Nhiều tổ chức, hiệp hội cũng đã nêu ý kiến về những bất tiện, bất hợp lý mà Nghị định 38 đã gây ra trong quá trình thực hiện. Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam cũng “kiến nghị sửa đổi một số quy định không cần thiết, gây tốn kém cho DN và mâu thuẫn với Luật liên quan. Ví dụ: Bắt buộc đăng ký bản công bố phù hợp với quy định về ATTP vì quy định này không có trong Luật ATTP”. Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam cũng đồng quan điểm. Ngày 21.6.2017, Chủ tịch Hiệp hội này đã gửi văn bản lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị điều chỉnh, sửa đổi quy định về thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và giấy xác nhận phù hợp các quy định ATTP.
Có làm mất ATTP?
Theo đại diện một số DN, đối với những nước mà hiện tại Việt Nam đã ký kết FTA hoặc đã có những sự chấp thuận về các giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, nước XK có cung cấp
Health Certificate (chứng thư ATTP), các DN đề nghị Chính phủ xem xét không cần công bố hợp quy cho các sản phẩm đã qua chế biến. Thay vào đó, nhà NK sẽ có trách nhiệm thông báo đến cơ quan nhà nước liên quan và nộp các chứng từ NK kèm theo, ghi nhãn phụ hàng hóa để nhận dạng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về nội dung ghi nhãn. Đây là cách mà các nước EU đang quản lý tương tự cho hàng thực phẩm NK từ Việt Nam.
Đối với các DN muốn XK cũng đạt được tiêu chuẩn quốc tế để XK. Việt Nam không nên tạo ra sự khác biệt với các nước trong quản lý ATTP trong ngành thực phẩm vì một số quy định như trong Nghị định 38 là không cùng một tiếng nói với thế giới. Hiện nay CODEX là quy định về ATTP được sự đồng ý áp dụng của nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam nên theo tiêu chuẩn CODEX này thay vì phải tạo ra các Quy chuẩn Việt Nam riêng vừa tốn kém, mất nhiều thời gian và đôi khi lại là rào cản kỹ thuật hạn chế sự phát triển DN. Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, hiện nay trên thế giới hầu hết đều quản lý ATTP theo xu hướng kiểm tra hậu kiểm kết hợp với kiểm tra quy trình sản xuất. Hơn nữa, “số liệu thống kê cho thấy, tới 99% nguy cơ ngộ độc là do thức ăn hàng ngày, chỉ có khoảng 1% nguy cơ ngộ độc do thức ăn bao gói sẵn, nên không lo việc bỏ một số quy định trên sẽ làm tăng nguy cơ mất ATTP” - ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.