Nhiều doanh nghiệp và một số hiệp hội về thực phẩm cho rằng, thủ tục công bố phù hợp an toàn thực phẩm (ATTP) tại nước ta hiện rất bất cập và đề xuất cho phép doanh nghiệp được tự công bố xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đều không đồng ý với đề xuất này
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “ATTP từ quy định đến thực tiễn quản lý: vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ”. Đây thực sự là diễn đàn để các doanh nghiệp, các hiệp hội về thực phẩm bày tỏ với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này về những bất cập trong Nghị định 38/2012 của Chính phủ.
Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc quản lý chất lượng ATTP qua thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp ATTP như hiện nay là không phù hợp.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp ATTP của Nghị định 38/2012 như hiện nay là không phù hợp.
Theo ông Tuấn, để đưa một sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn ra thị trường của doanh nghiệp (DN), DN phải gửi mẫu sản phẩm thực phẩm đi kiểm nghiệm.
Nếu đạt chất lượng thì doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rồi nộp hồ sơ gửi Cục ATTP - Bộ Y tế xin xác nhận công bố phù hợp ATTP.
Lúc này, Cục ATTP sẽ thẩm xét giấy tờ rồi cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP, DN mới được sản xuất hoặc phân phối sản phẩm trên thị trường.
Khâu hậu kiểm sẽ do cơ quan quản lý đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.
"Tôi cho rằng thủ tục này là rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và không có tác dụng vì Cục ATTP không đi kiểm tra thực địa, cũng không chịu bất cứ trách nhiệm gì, và khẳng định DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự phù hợp ATTP", ông Tuấn phân tích.
Ngoài ý kiến của ông Tuấn, tại Hội thảo cũng nhiều ý kiến thẳng thắn phản đối thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp ATTP của Nghị định 38/2012 là không có tác dụng tăng cường và đảm bảo ATTP vì Cục ATTP không kiểm tra cơ sở sản xuất cũng như thực tế sản phẩm mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu đã nộp.
Điều này làm tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của cả Nhà nước và DN; trái Luật ATTP, khác thông lệ quốc tế về quản lý ATTP; đi ngược lại các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ; trái luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015.
Tại hội thảo, cộng đồng DN và các hiệp hội về thực phẩm đều đề nghị sửa đổi, thay thế thủ tục công bố phù hợp ATTP kể trên bằng hình thức chứng nhận hợp chuẩn.
Tức là doanh nghiệp khi sản xuất ra sản phẩm thực phẩm mới sẽ gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định; nếu kiểm nghiệm đạt chất lượng sẽ được xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng (công bố trên website của phòng kiểm nghiệm).
Phần hậu kiểm, cơ quan quản lý thay vì thay vì ngồi bàn thẩm xét giấy tờ sẽ tập trung đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.
Siết chặt quản lý ATTP là nhu cầu tất yếu
Phản hồi các ý kiến trên, ông ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra - Cục ATTP khẳng định, việc tăng cường quản lý, siết chặt quản lý ATTP trong bối cảnh hiện nay là nhu cầu tất yếu được đặt ra.
Theo ông Châu, về các ý kiến nêu công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP trái luật là không chính xác, bởi vì:
Thứ 1, Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 tại Kỳ họp thứ 3 QH khóa 14 vừa qua đánh giá, nội dung các văn bản pháp luật ban hành, về cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về an toàn thực phẩm; nội luật hóa các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; các quy định hướng dẫn đã bám sát văn bản gốc, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý.
Thứ 2, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có đánh giá: Việt Nam có hệ thống luật pháp với cách tiếp cận hiện đại về an toàn thực phẩm.
Thứ 3, Quốc tế cũng không ban hành quy chuẩn cho sản phẩm, codex chỉ có 213 tiêu chuẩn, còn lại là các quy định về PGTP, mức giới hạn ô nhiễm vi sinh, kim loại nặng, thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật… cho các nhóm sản phẩm. Chúng ta cũng đã chuyển dịch từ quốc tế và ban hành đầy đủ các quy định này.
Thứ 4, Trong thời gian qua, từ khi Nghị định 38 có hiệu lực, hàng trăm ngàn sản phẩm đã được ra đời từ quy định này, đóng góp rất lớn cho phát triển của ngành thực phẩm nước ta, cho nhu cầu thực phẩm trong nước và xuất khẩu.
Đặt ngược lại, nếu không có quy định của Nghị định 38 thì chúng ta có được bao nhiêu sản phẩm ra đời?
Ông Trần Văn Châu: "Siết chặt quản lý ATTP trong bối cảnh hiện nay là nhu cầu tất yếu được đặt ra".
"DN hoàn toàn làm thủ tục qua mạng chứ không tốn kém công đi lại. Khi hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ, chúng tôi xử lý cũng rất nhanh. Khi sản phẩm của DN đạt tiêu chuẩn thì sẽ được sản xuất, phân phối trên thị trường.
Vì đây là nhóm sản phẩm thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nên mới phải quản lý chặt chẽ như vậy, không thể để cho DN tự công bố được.
Nếu là nhóm sản phẩm không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người thì DN có thể tự công bố được, ví dụ như cái bàn, cái ghế...DN chỉ cần công bố chất lượng, kích thước...là được" - ông Châu phân tích.
Thứ 5, từ hệ thống văn bản pháp luật quản lý về an toàn thực phẩm của nước ta như nêu trên, đã tạo niềm tin cho các nước nhập khẩu thực phẩm từ nước ta.
Về thời gian công bố và phí: Thực phẩm chức năng nhập vào Trung Quốc là 3 tháng, chi phí 6.000 USD; sản phẩm vào Mỹ mất 9 tháng, Singapore 10.000 USD, Indonisia 5.000 USD, trong khi Việt Nam có 70 USD