Bộ Y tế vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), trong đó bỏ một số nội dung đã được Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong dự thảo nên bỏ việc đăng ký công bố chất lượng ATTP trước khi lưu thông ra thị trường (tiền kiểm).
Vẽ đường cho hươu chạy”?
Hiện nay, ATTP vẫn được kiểm soát bằng hai hình thức tiền kiểm và hậu kiểm. Tiền kiểm diễn ra theo hình thức doanh nghiệp (DN) sẽ phải nộp hồ sơ, trong đó có phiếu kiểm nghiệm, ghi nhãn… để cơ quan quản lý kiểm tra, đối chiếu các chỉ tiêu an toàn DN tự công bố có phù hợp không rồi mới cho lưu thông ra thị trường. Hậu kiểm là trong quá trình lưu thông, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm để giám sát chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, theo quy trình kiểm soát này, một số DN, thậm chí Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Mỹ (Amcharm) cho rằng, Việt Nam nên bỏ tiền kiểm mà để DN tự công bố chất lượng giống như Singapore, Nhật Bản, Mỹ….
Trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc bỏ khâu tiền kiểm để DN tự công bố chất lượng có đảm bảo sức khỏe cho người dân không? Phó cục trưởng Cục ATTP Trần Việt Nga cho rằng, hoàn toàn không phù hợp nếu để DN tự công bố chất lượng như vậy. Bởi thực tế, việc hậu kiểm chỉ áp dụng với những nước có nền sản xuất bảo đảm, ý thức chấp hành pháp luật tốt, lực lượng thanh tra hùng hậu, kinh phí lấy mẫu lớn. Còn như ở Việt Nam, tất cả những điều kiện trên không đủ tin tưởng để chỉ hậu kiểm. Bởi vì ý thức pháp luật, việc chấp hành của DN, người dân chưa nghiêm, trong đó có Luật ATTP.
Chẳng hạn ở các nước phát triển không có chuyện bơm tạp chất vào tôm, hay dùng hóa chất tẩy trắng bún, hàn the trong giò, chả, trồng rau thành hai luống - luống sạch để ăn, luống phun thuốc kích thích để bán thì ở Việt Nam… diễn ra không ít. Tiếp đến là mô hình kinh doanh, sản xuất chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất gia đình, theo kinh nghiệm, tự phát, không theo hệ thống, quy củ về kiểm soát chất lượng từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, không có thử nghiệm, nghiên cứu sản phẩm phù hợp với các quy định về chất lượng, phụ gia…
Cuối cùng nếu bỏ công bố chất lượng sản phẩm từ cơ quan quản lý, nghĩa là chỉ hậu kiểm thì lực lượng thanh tra cho khâu này yếu cả về số lượng và chất lượng. Nếu Nhật có 12.000 thanh tra viên thì nước ta chỉ có 400 thanh tra viên, nhưng kiểm tra tất cả các lĩnh vực trong y tế. Do đó, để bỏ khâu tiền kiểm là một việc làm chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”, nhất là cho những cơ sở, doanh nghiệp đầy đủ các “tố chất” trên. Bà Nga nói: “Nếu cứ để DN tự sản xuất, lưu thông ra thị trường không cần biết có tuân thủ các yêu cầu về chất lượng hay không thì thực phẩm độc hại có thể bị tiêu thụ trước khi được kiểm tra. Ngay mũ bảo hiểm trước khi ra thị trường cũng được tiền kiểm, đóng dấu hợp quy; thậm chí cả phân bón, thuốc trừ sâu… Vậy tại sao thực phẩm - sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người - lại bỏ qua khâu này”.
Siết thực phẩm chức năng
Cũng theo bà Nga, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP, thực ra không phải thực phẩm nào cũng phải qua khâu tiền kiểm, mà sẽ phân thành 2 nhóm: nhóm sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn gồm dụng cụ, vật liệu bao gói và nhóm thực phẩm chức năng, sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm được quảng bá là có tác dụng với sức khỏe. Với nhóm thực phẩm loại 1, chỉ cần DN tự công bố và nộp hồ sơ đến Sở Y tế. Trong 7 ngày tiếp nhận, nếu cơ quan quản lý không có ý kiến thì có thể được quyền sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Với nhóm sản phẩm thứ hai, bắt buộc kiểm soát chặt chẽ, bởi đây là nhóm có công bố tác dụng với sức khỏe người sử dụng.
Có DN cho rằng, nếu tiếp tục hình thức tiền kiểm như vậy, sẽ làm mất thời gian của DN do nhiều công đoạn, thủ tục rườm rà... Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP đã trả lời, Cục ATTP đã quy định trong trường hợp phải điều chỉnh bổ sung hồ sơ, nhân viên của Cục phải đọc kỹ để chỉ yêu cầu bổ sung một lần duy nhất. Thế nhưng, không ít DN khi nhận được công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc là không thực hiện hoặc là làm “nửa vời”, ví như cơ quan quản lý yêu cầu bổ sung 4 nội dung thì chỉ thực hiện 2 nội dung. Do đó, tại dự thảo sửa đổi, ban soạn thảo đã nêu rõ: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung, nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì cơ quan quản lý sẽ hủy hồ sơ công bố…”.
Khẳng định một lần nữa về việc không thể bỏ khâu đăng ký công bố chất lượng, bà Nga nhấn mạnh: “Việc công bố sản phẩm với cơ quan quản lý Nhà nước trước khi thực phẩm lưu thông trên thị trường rất cần phải duy trì trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh quá trình này, cơ quan quản lý sẽ cải cách hành chính triệt để giảm bớt các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường khâu hậu kiểm khi thực phẩm lưu thông trên thị trường”.