0908.326.779 - 0906.362.707
 

An toàn trong mọi thời điểm

07/01/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
An toàn trong mọi thời điểm
Hiện thị trường lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bước vào thời điểm sôi động để phục vụ Tết Nguyên đán, mùa lễ hội xuân 2021. Càng đến gần Tết, vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở thành vấn đề thời sự được cả xã hội quan tâm
Thời gian qua, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên được thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo thực hiện vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, với đặc thù là thị trường có độ mở lớn, nguồn cung lương thực, thực phẩm từ khắp nơi dồn về nhiều, đặc biệt là thời điểm cuối năm nên đặt ra những đòi hỏi cao hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, trên địa bàn thành phố hiện có tới 17.598 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ; nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận mà bỏ qua yếu tố an toàn... nên vẫn xuất hiện tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, tại các chợ đầu mối, việc truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý nhà nước có lúc, có nơi chưa hiệu quả... Trước tình hình trên, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng với tinh thần an toàn trong mọi khâu...
 
Thực tiễn trên cho thấy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi những giải pháp cấp bách cho cả trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy, các sở, ban, ngành cần thực hiện ngay chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong những ngày đầu năm 2021 về triển khai biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết; Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 8-12-2020 của UBND thành phố Hà Nội về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021. Trong đó, không chỉ phục vụ trong dịp Tết, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phải hướng tới trọng tâm là đến năm 2025, tất cả thực phẩm tiêu dùng trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương thực phẩm xuất khẩu...
 
Đây là yêu cầu rất cao và để đáp ứng được, yếu tố mang tính bền vững nhất phải là an toàn từ gốc. Mỗi chủ thể trong từng mắt xích cung ứng hàng hóa phải nâng cao ý thức bảo đảm chất lượng. Chính quyền cấp cơ sở cần kiểm tra chặt chẽ để mỗi cơ sở kinh doanh, chế biến ở địa phương phải tuân thủ quy định về sản xuất “sạch”; cơ sở vi phạm phải bị xử lý nghiêm... Đồng thời, mỗi người dân hỗ trợ, là “tai mắt” giúp cơ quan quản lý phát hiện những cơ sở sản xuất kém chất lượng.
 
Bên cạnh đó, tại các chợ đầu mối, ngoài công tác kiểm tra, cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xem xét đầu tư thiết bị kiểm tra nhanh dư lượng các chất kích thích, tăng trưởng trên nông sản, thực phẩm... Thực hiện được điều này sẽ giúp tiểu thương không dám kinh doanh thực phẩm “bẩn”, từ đó tác động đến người trồng trọt, chăn nuôi, chế biến phải tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ của nhiều ngành, nên các lực lượng chức năng phải có sự phối hợp hiệu quả, kiểm soát chặt những vùng sản xuất nông sản; các làng nghề và cả kênh bán hàng trên internet... Cùng với đó là gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa bàn, lĩnh vực phụ trách để công tác quản lý hiệu quả hơn.
 
Về lâu dài, mọi nông sản, thực phẩm đều phải được truy xuất nguồn gốc và cần có chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chiến lược này. Đây sẽ là "chìa khóa" mang đến sự minh bạch, hóa giải nỗi lo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong mọi thời điểm, chứ không chỉ vào giai đoạn cao điểm lễ, Tết cuối năm.
THIỆN MỸ