0908.326.779 - 0906.362.707
 

Vụ tranh chấp quyền sở hữu Tinh hoa Bắc Bộ: Chuyên gia pháp lý nói gì?

20/03/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Vụ tranh chấp quyền sở hữu Tinh hoa Bắc Bộ: Chuyên gia pháp lý nói gì?
Liên quan vụ việc tranh chấp quyền sở hữu chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”, chuyên gia pháp lý cho rằng quyền nhân thân thuộc về tác giả, quyền tài sản thuộc về Công ty Tuần Châu Hà Nội.
Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật InvestPro Hà Nội về vấn đề tranh chấp quyền sở hữu chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ” giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội (Công ty Tuần Châu HN) và Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp truyền thông DS (Công ty DS).
 
Theo Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, trong vụ việc tranh chấp này không ai thắc mắc về quyền nhân thân của Việt Tú với tư cách là tác giả “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài)”. Nhưng nếu Việt Tú đã được vinh danh tinh thần với những đứa con tinh thần đó, thì quyền công bố, sở hữu, khai thác, định đoạt tác phẩm đương nhiên phải thuộc về doanh nghiệp đã đầu tư vật chất hỗ trợ cho việc sáng tạo. 
 
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 19, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, Cty Tuần Châu có quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm” trong nhóm các quyền nhân thân. Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định rõ về quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các tác phẩm, hai quyền này khác nhau và không thể đánh đồng. Trong vụ án  này, Cty Tuần Châu không hề đòi hỏi những gì thuộc về quyền nhân thân của tác giả; họ chỉ đòi lại những gì thuộc về quyền sở hữu hợp pháp của họ (quyền tài sản) đã được pháp luật ghi nhận
 
Cũng theo Luật sư Anh, tranh chấp giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội  và Công ty Công ty DS là tranh chấp quyền sở hữu tác phẩm giữa một bên là tổ chức đầu tư kinh phí để sáng tạo tác phẩm và một bên là tác giả sáng tác. Trong nhiều loại hình nghệ thuật, nếu thiếu sự đầu tư vật chất hữu hiệu của nhà đầu tư thì e rằng giới tác giả khó mà đủ sức sáng tạo nghệ thuật. Trong thời đại mà hoạt động sáng tạo có sự gắn bó mật thiết với công nghệ, thiết bị kỹ thuật thì nguồn lực tài chính đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sáng tạo nghệ thuật. Thấu hiểu điều này, Nhà nước Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới ghi nhận và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân trong sáng tác nghệ thuật. Trong vụ án này, việc Nhà nước thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm “Ngày xưa” là điều phù hợp.
 
Trước đó tại buổi đầu tiên của phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã nêu ý kiến quyền tác giả duy nhất thuộc về đạo diễn Việt Tú, quyền sở hữu duy nhất thuộc về Công ty Tuần Châu Hà Nội.
 
Tại phiên tòa này hội đồng thẩm định đã xem xét hai vở diễn Ngày xưa và Tinh hoa Bắc Bộ dựa trên kịch bản cũng như video quay lại hai vở diễn, bản thiết kế 3D và một số tài liệu liên quan khác. Trên cơ sở đó hội đồng thẩm định cho rằng chương trình có nhiều điểm giống nhau về cơ bản, không gian nghệ thuật bị lặp lại. Cũng theo hội đồng: “Từ góc độ sân khấu, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ không được coi là sáng tạo độc lập, mà chỉ có thể coi là vở diễn phái sinh. Trong thực tế của nghệ thuật biểu diễn chưa xảy ra trường hợp nào như vậy mà được coi là sáng tạo độc lập”.
 
Kết thúc buổi đầu tiên của phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã nêu ý kiến: Công ty Tuần Châu HN không trực tiếp sáng tạo ra sản phẩm hay một phần sản phẩm mà chỉ hỗ trợ ông Việt Tú thực hiện kịch bản Ngày xưa, ông Nguyễn Việt Tú là tác giả duy nhất của kịch bản này. Việc Công ty DS đăng ký quyền sở hữu cho ông Việt Tú là phù hợp. Quyền tác giả duy nhất thuộc về đạo diễn Việt Tú, quyền sở hữu duy nhất thuộc về Công ty Tuần Châu HN. Về số tiền Công ty DS đòi Công ty Tuần Châu HN bồi thường, đây là số tiền tính theo suy đoán nên không có căn cứ chấp nhận
Công Thương